Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phòng vệ thương mại, “phao cứu trợ” doanh nghiệp ra biển lớn
Hải Yến - 27/10/2020 16:09
 
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, phòng vệ thương mại là một công cụ hữu hiệu, là "phao cứu trợ" giúp bảo vệ doanh nghiệp ra biển lớn.
Theo ông Lê Triệu Dũng, PVTM là “phao cứu trợ” doanh nghiệp đi ra biển lớn, hội nhập quốc tế
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, PVTM là “phao cứu trợ” doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Khẳng định tại Tại Hội thảo  "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập"  sáng 26/10, tại Hà Nội, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, nền kinh tế càng hội nhập sâu rộng thì phòng vệ thương mại ngày càng phổ biến.

Phòng vệ thương mại cũng chính là biện pháp hợp pháp được phép sử dụng để bảo vệ hàng sản xuất trong nước trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu,  giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với 13 FTA đã đi vào thực thi.

Theo ông Lê Triệu Dũng, phòng vệ thương mại chính là “phao cứu trợ” doanh nghiệp đi ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là nước có nền kinh tế sử dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất. 

Đơn cử, phòng vệ thương mại đã ra đời tại Mỹ từ 100 năm trước và đã trở thành yếu tố bắt buộc trong môi trường kinh doanh thương mại quốc tế, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp ngay tại thị trường nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.

"Chủ trương nhất quán của Việt Nam trong hội nhập và thực thi một loạt FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, thuế với hàng nhập khẩu về cơ bản giảm xuống thấp, sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu đều gia tăng lên hàng nội địa. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu", ông Dũng khẳng định.

Cho đến nay, Bộ Công Thương đã và đang điều tra 20 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là kiện chống bán phá giá, điều tra chống trợ cấp và tự vệ, điển hình với phân bón, gô, thép, nhôm, đường mía, đường lỏng.

Các biện pháp này dù còn khiêm tốn so với các vụ việc (200 vụ) hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường khởi kiện, nhưng đã góp phần bảo vệ các ngành sản xuất chiếm khoảng 6% GDP năm 2019, bảo vệ gần 150.000 việc làm,  Bởi, một số ngành như thép, nhôm, phân bón…nếu không sử dụng công cụ phòng vệ, để phụ thuộc hàng nhập khẩu thì rất rủi ro.

Trước tình trạng gia tăng phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện;  cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực. Trong đó, đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư