Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Phụ nữ hãy vận hành doanh nghiệp của riêng mình
Hồng Phúc - 20/05/2021 16:33
 
Khi làm việc trong công ty do thành viên nam giới trong gia đình làm chủ, phụ nữ thường không được đánh giá cao. Vận hành “sân khấu” của riêng mình là giải pháp để xóa tan định kiến đó.
Diễn đàn “Đường tới thành công: Phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh trong kỷ nguyên số” do Facebook và Diễn đàn Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh (WISE) tổ chức
Diễn đàn “Đường tới thành công: Phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh trong kỷ nguyên số” do Facebook và Diễn đàn Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh (WISE) tổ chức

Thoát khỏi “cái bóng” của người đàn ông

Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, Randi Jayne Zuckerberg có một công việc thú vị tại Ogilvy NewYork trước khi được em trai - Mark Zuckerberg (đồng sáng lập, CEO Facebook) mời về làm việc cùng.

Nhưng từ khi Facebook trở nên thịnh hành hơn, Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú, thì mỗi khi nhắc đến Randi, hầu hết mọi người đều gọi là “chị gái của Mark”.

Thậm chí, tại một chương trình truyền hình, khi Randi đang say sưa giới thiệu bản thân là tác giả viết sách, phát thanh viên, doanh nhân, thì có một khán giả hỏi rằng: “Bạn có phải là chị gái của Mark?”. Câu hỏi đó khiến Randi tức giận và bóp vỡ chiếc cốc trên tay mình.

Có lẽ, Randi đã rất phiền lòng, bởi cô tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, có sự nghiệp riêng, đóng góp vai trò quan trọng trong công ty, nhưng lại vẫn bị gắn với “cái bóng” của người khác.

“Đối với phụ nữ, đây là một cuộc chiến liên tục. Vì những thành tựu của chúng ta luôn bị nhìn nhận từ góc nhìn của những người đàn ông mà chúng ta làm việc chung, như đang làm tại công ty của bố bạn, chồng bạn hay trong trường hợp của tôi, đó chính là em trai của mình”, Randi chia sẻ. Cô cho rằng, đây là điều hiển nhiên mà rất nhiều phụ nữ đối mặt trong kinh doanh để được công nhận thành tựu là của chính mình, chứ không phụ thuộc vào những người đàn ông bên cạnh.

Bây giờ, ngoài vai trò nhà đầu tư, cố vấn cho Republic.co - một trong những nền tảng huy động vốn từ cộng đồng lớn nhất ở Mỹ, Randi còn là nhà sáng lập, CEO của Zuckerberg Media.

“Những điều mà tôi làm ngày hôm nay là để đưa nhiều bạn gái trẻ gia nhập lĩnh vực công nghệ, cũng như đưa nữ doanh nhân tiến vào lĩnh vực đầu tư và cố vấn. Bởi, tôi không muốn bất kỳ phụ nữ nào trong tương lai bị nhìn nhận và phán xét bởi mối liên hệ với những người đàn ông trong cuộc sống của họ”, Randi kỳ vọng.

Trên thực tế, câu chuyện  phụ nữ bị gắn với “cái bóng” của những người đàn ông không chỉ xảy ra với nữ doanh nhân ở Mỹ.

Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch điều hành, kiêm Giám đốc tài chính Avero ở Việt Nam, cựu Giám đốc Facebook tại Việt Nam, cũng từng gặp phải vấn đề tương tự.

Tốt nghiệp 2 trường đại học nổi tiếng là Oxford (Anh) và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Kiều Trang đã có giai đoạn phát triển sự nghiệp huy hoàng tại McKinsey, nhưng sau đó, cô quyết định về làm việc trong cùng công ty với chồng là Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ).

Giai đoạn ban đầu, Kiều Trang cũng cảm thấy không dễ chịu khi thường được gọi là “vợ của Sonny”, nhưng sau đó, cô đã gạt bỏ được cảm giác này. “Không quan trọng ai là CEO, ai là chủ tịch, chúng tôi mong muốn trở thành những người chiến thắng, chỉ cần công ty tạo ra những sản phẩm và mang lại ảnh hưởng với thế giới. Trở thành một phần của công ty. Như vậy, đã rất thỏa mãn và tuyệt vời”, Kiều Trang chia sẻ.

Tuy nhiên, Kiều Trang cũng nhấn mạnh rằng, sẽ rất phiến diện nếu chỉ nhìn nhận, người dẫn đầu là người nắm giữ sự thành công trong đa số các công ty trên thế giới, mà cần phải nhìn vào toàn bộ đội ngũ.

Vận hành “sân khấu” của riêng mình

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo là phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều phụ nữ đã thể hiện được tài năng, bản lĩnh, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp, được mệnh danh là những “bông hồng thép”… 

“Nhắm mắt lại, bạn cũng có thể kể tên khá nhiều nữ lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Và sẽ tiếp tục có thêm những người như vậy. Xã hội Việt Nam đã mở ra rất nhiều cánh cửa cho phụ nữ và các bạn trẻ trong việc tiếp cận giáo dục, hỗ trợ họ tự lập và trở thành một doanh nhân”, Kiều Trang nói.

Theo nữ CEO này, để khơi dậy và hỗ trợ tinh thần trở thành nữ doanh nhân cũng như giúp họ vững bước hơn trong tương lai, việc trở thành nhà đầu tư là một giải pháp.

Kiều Trang cũng là đồng sáng lập Alabaster - quỹ chuyên đầu tư vào các nhà sáng lập xây dựng các công ty với các giải pháp triệt để, kỳ vọng mang lại tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu. Hoạt động đầu tư được Kiều Trang nhìn nhận là một thế giới rất khác biệt. Đó không chỉ là vận hành “sân khấu” của riêng mình, mà còn là dịp để chứng kiến các doanh nghiệp khác trình diễn tài năng của họ và có thể có cơ hội hỗ trợ, hợp tác, trở thành một phần của họ.

Trở lại với câu chuyện của Randi Jayne Zuckerberg. Người phụ nữ này cũng từng không hiểu biết quá nhiều về đầu tư, nhưng khi đến thung lũng Silicon, cô gặp một vị cố vấn và được khuyên rằng: “Randi, bạn sẽ không thể trở nên giàu có với công việc làm công ăn lương. Bạn phải đầu tư, phải nắm một phần của một công ty”.

Từ đây, Randi nhận ra, cô có cơ hội để làm được những điều rất to lớn khi dùng tiền của mình để đầu tư và trở thành cố vấn của Republic.co. Randi đã góp vốn cho sự phát triển của rất nhiều phụ nữ và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong hệ sinh thái phát triển bền vững. Giờ đây, đầu tư đã trở thành một niềm đam mê của Randi Zuckerberg.

Kiều nữ Lê Diệp Kiều Trang: “Thách thức lớn nhất với phụ nữ Việt Nam đến từ gia đình của họ”
Theo Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch điều hành tại Việt Nam của Avero, cần sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình để phụ nữ Việt tự tin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư