Nhạc sĩ Phú Quang, người nổi tiếng thẳng thắn chia sẻ với VietNamNet rằng, với các tác phẩm
- Vấn đề bản quyền tác giả tác phẩm mấy ngày qua lại đang rộ lên. Từng là một trong số ít nhạc sĩ thẳng thắn, bức xúc về cách thu tiền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả (VCPMC), thậm chí có giai đoạn tuyên bố rút tên khỏi danh sách của trung tâm này, ông nói sao khi sự việc này vẫn dai dẳng diễn ra hết năm này đến năm khác?
Ngày xưa tôi không cho VCPMC thu tiền bản quyền các tác phẩm của mình vì họ không rõ ràng vì thu một đằng nhưng lại trả cho tác giả một nẻo. Ví dụ họ thu của Bằng Kiều 4 đêm hát 2 bài của tôi là 36 triệu nhưng thời ông Phó Đức Phương làm Giám đốc VCPMC số tiền thực tôi nhận được chẳng là bao.
Ông ấy nói với tôi: "Ông sướng nhé có tiền bản quyền của Bằng Kiều". Ông thu hai bài của người ta mỗi bài 4,5 triệu trong 4 lần tính nhẩm là 36 triệu, trong khi ký với tôi thu được tiền các ông được hưởng là một phần tư. Cứ cho các ông được hưởng như vậy, tôi trừ 9 triệu đi vẫn còn 27 triệu nhưng phía VCPMC bảo chỉ có 300 nghìn và phải nộp thuế 30 ngàn tôi chỉ còn 270 ngàn, tức là tôi được 1%...
Tôi chưa bao giờ ký với VCPMC của ông Phó Đức Phương quyền lợi mình nhận 1 phần trăm như thế. Khi tôi thắc mắc họ bảo do tôi chỉ có 1 bài, tôi viện dẫn chứng mình và người thân của mình có mặt ở cả 4 đêm nhạc đó thì họ lấp liếm nói thế này thế khác, do cái này do cái kia. Do vậy lý do hồi đó tôi tuyên bố rút khỏi VCPMC là vì như vậy, thà rằng cho không các đơn vị tổ chức chương trình ca nhạc khi họ sử dụng bài hát của tôi còn hơn.
|
Nhạc sĩ Phú Quang. |
- Đó là câu chuyện cũ nhưng thông tin mới nhất tôi nhận được đó là ông đã ủy quyền lại việc thu phí bản quyền âm nhạc cho VCPMC khi ông Đinh Trung Cẩn lên làm Tổng giám đốc, thực hư chuyện này ra sao?
Không, tôi chưa bao giờ ủy quyền lại bởi đang ký hợp đồng với Sky Music nhưng vừa rồi Sky Music bị nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kiện nên tôi đang cân nhắc có thể rút các tác phẩm của mình ra hay không. Thật ra chuyện bản quyền tôi làm với ai cũng được nhưng phải là những người lương thiện.
Đinh Trung Cẩn gần đây rất thiện chí khi liên lạc với tôi bảo: "Anh ạ, các tác phẩm của anh nhiều, em gửi cho anh nốt số tiền VCPMC đã thu lần cuối cùng". Tôi cho rằng đó là hành xử trân trọng nghệ sĩ.
- Ông Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc công ty Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam có bức xúc nói ca sĩ hát một bài có thể kiếm 300 triệu, nhưng tác giả đòi quyền tác quyền lại chửi um sùm lên. Ông nghĩ sao?
Tôi chưa thấy ai đòi ai cả, tôi chưa thấy bao giờ. Hơn nữa, tôi chưa nghe ai chửi thế bao giờ.
- Phía ca sĩ khi câu chuyện bản quyền được nhắc tới trong các liveshow họ thể hiện thì nói rằng việc đóng tác quyền phụ thuộc vào nhà tổ chức. Luật định quy định rõ nếu không đóng tác quyền sẽ không cấp phép cho chương trình. Bài toán đặt ra là việc thương thảo giữa các đơn vị tổ chức các chương trình ca nhạc và VCPMC chưa có tiếng nói chung. Vừa là tác giả của nhiều ca khúc lại nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các đêm nhạc, ông nói sao về vấn đề này?
Không biết các đơn vị khác thế nào chứ tôi tổ chức chương trình ca nhạc đều trả sòng phẳng. Ví dụ như nhà thơ Doãn Thanh Tùng, trong bài Hà Nội ngày trở về, tôi chỉ dùng 8 chữ: "Vội vã trở về, vội vã ra đi" nhưng khi anh còn sống tôi từng tặng một lần 26 triệu. Anh ấy thấy thế sửng sốt bảo: "Quang ơi sao em lấy có 8 chữ của anh mà trả nhiều thế?". Tôi bảo, anh lấy tiền đãi bạn một bữa rượu để họ biết mình cũng là đồng tác giả ca khúc đấy. Sau này mỗi khi gặp con gái nhà thơ Doãn Thanh Tùng cháu vẫn nhắc lại chuyện này kèm lời khen: "Bố cháu lúc còn sống rất phục chú, chú chơi đẹp".
Hay như nhà thơ Thụy Kha có bài "Chiều không em", trong bài hát của tôi không phải tất cả được phổ từ toàn bộ bài thơ của Thụy Kha nhưng tôi vẫn trả tiền bản quyền đầy đủ. Một đêm nhạc có sử dụng ca khúc ấy, đáng ra 3 đêm là 900 ngàn nhưng tôi làm tròn trả cho Thụy Kha một triệu.
|
Thu Phương sẽ xuất hiện trong liveshow tới của Phú Quang. |
- Ở Mỹ một bài hát sẽ tính là 0,08 USD tiền tác quyền. Ví dụ như một chương trình có 10 bài hát, lượng vé bán là 3.000 thì sẽ tính tiền tác quyền âm nhạc của đêm đó tương đương với khoảng 60 triệu tiền Việt Nam. Còn ở Việt Nam, đơn vị đại diện thu bản quyền VCPMC lại tính theo quy mô của chương trình. Câu hỏi đặt ra là những chương trình ca nhạc không bán được vé sẽ giải quyết như thế nào?
Nếu đúng như bạn đề cập thì phải không thu những vé không bán được, đúng không? Nhưng thực tế họ cứ tính đại ra bao nhiêu nghìn, bao trăm chỗ ngồi xong bắt phải trả thế. Tôi nghĩ việc thu bản quyền nó phải đàng hoàng, phải có người kiểm tra xem vé bán mỗi chương trình. Có những show bán được vài trăm vé nhưng địa điểm tổ chức chứa 3.000 người vẫn thu tiền bản quyền theo ba-rem cũ thì không ổn.
Tôi không thân thiết gì với Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc công ty Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam hiện tại - nhưng với những gì cảm nhận mong rằng Trung Cẩn sẽ có cách bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và thu cho mỗi ca khúc, chương trình chặt chẽ và thấu đáo, hợp tình hợp lý.
- Tháng 12 tới ông tiếp tục làm 2 đêm nhạc. Có vẻ như tuổi càng cao ông càng hăng say?
Mỗi năm tôi đều chỉ tổ chức một lần, "Trong miền ký ức" diễn ra ngày 26, 27/12 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả sẽ gặp lại các ca khúc quen thuộc của tôi. Chỉ khác là lần này ngoài Thanh Lam, Tấn Minh, Lê Anh Dũng, Minh Chuyên, Trần Mạnh Tuấn, Bùi Công Duy, Trinh Hương, Minh Thu có sự tham gia của Thu Phương, Đức Tuấn. Đây là những ca sĩ có giọng hát tốt và tôi tin họ không phụ lòng mong đợi của khán giả và cả chính tôi.