Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Phụ tùng xe máy giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tràn lan trên thị trường
Hoàng Nam - 14/10/2022 11:59
 
Rất nhiều bên sử dụng các nhãn hiệu như “Honda”, “Yamaha”, “Piaggio”, “Vespa”… mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền.

Chỉ cần thực hiện tra cứu nhanh qua Google hay các công cụ tra cứu cung cấp bởi sàn thương mại điện tử, kết quả cho thấy các sản phẩm phụ tùng và thiết bị xe máy mang thương hiệu nổi tiếng của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được đăng bán vô cùng đa dạng với đủ loại giá thành.

xe máy bán trên sàn thương mại điện tử rất đa dạng
Xe máy bán trên sàn thương mại điện tử rất đa dạng.

Trước thực trạng phải đối đầu với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy, các ông lớn trong ngành đã không ngồi im.

Tại hội thảo với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp”, 5 thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) là Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nam Suzuki và Công ty hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (SYM Việt Nam) đã rất bức xúc chia sẻ nhiều thách thức trong vấn đề này.

Theo đó, các doanh nghiệp đã có thời gian phát triển lâu dài và tạo dựng được tên tuổi nhất định đối với các sản phẩm xe máy, phụ tùng xe máy mang thương hiệu Công ty. Tuy nhiên, hiện đang phải đối đầu với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy.

Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình.

Tính đến tháng 10/2022, VAMM đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý thành công 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Trong đó, dầu giả hơn 2.000 chai, má phanh 950 cái, lọc gió 300 cái… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các sản phẩm giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khác được bày bán trên thị trường mà vẫn chưa bị xử lý.

Cùng với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, các thành viên của VAMM cũng gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Về nhãn hiệu, rất nhiều bên sử dụng các nhãn hiệu như “Honda”, “Yamaha”, “Piaggio”, “Vespa”… mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền.

Về kiểu dáng công nghiệp, qua quan sát trực quan, có rất nhiều mẫu xe điện ngoài thị trường có kiểu dáng công nghiệp tương tự xe máy Vespa của công ty Piaggio. Ngoài ra, các dòng xe phổ biến đã được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam như SH của Honda… cũng bị nhái kiểu dáng.

Tinh vi hơn, các đơn vị sản xuất xe máy điện nhái kiểu dáng công nghiệp của các dòng xe có thương hiệu chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ của kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ để áp dụng cho sản phẩm của mình, khiến việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn.

Nhiều sản phẩm đi kèm với xe máy được trưng bày hàng thật, hàng giả để nhận biết
Nhiều sản phẩm đi kèm với xe máy được trưng bày hàng thật, hàng giả để nhận biết.

Dưới góc độ chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy xuất hiện nhiều ở các phụ tùng thiết yếu như: phanh, dầu nhớt, mũ bảo hiểm gây ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, …

Dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ lợi nhuận mà còn uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp.

Còn từ góc độ đầu tư nước ngoài, vấn đề này làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại nổi bật như CPTTP, EVFTA, trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử.

Chỉ cần thực hiện tra cứu nhanh qua Google hay các công cụ tra cứu cung cấp bởi sàn thương mại điện tử, kết quả cho thấy các sản phẩm phụ tùng và thiết bị xe máy mang thương hiệu nổi tiếng của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được đăng bán vô cùng đa dạng với đủ loại giá thành.

Đáng nói là cạnh những sản phẩm chính hãng, còn có rất nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của các thành viên VAMM.

Trước thực trạng đó, có thể thấy hàng giả, hàng nhái, cụ thể là xe máy, phụ tùng, phụ kiện xe máy nhái là một trong những vấn đề cần được quan tâm thích đáng không chỉ từ phía Hiệp hội mà còn từ phía cơ quan chức năng, truyền thông, các nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực xe máy, phụ tùng xe máy và người tiêu dùng.

Cần thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ
Từ bối cảnh và thực tế hiện nay, cần phải nghiêm túc tính đến khả năng và lộ trình thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư