Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phương châm phòng, chống Covid-19: 5K + vắc-xin + công nghệ
D.Ngân - 30/05/2021 10:14
 
34 ngày, kể từ ngày có ca bệnh đầu tiên (27/4), Việt Nam đã có 3.836 ca mắc Covid-19 trong nước tại 34 tỉnh, thành phố.

Hơn một tháng qua chúng ta đã mất đi 12 bệnh nhân Covid-19, hầu hết đều mắc bệnh lý nền nặng, sức khỏe suy kiệt trước khi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, một nữ công nhân 38 tuổi, không có bệnh lý nền, tử vong chỉ sau vài ngày mắc Covid-19 khiến nhiều người xót xa.

Thủ tướng Phạm Minh Chinh thống nhất bổ sung phương châm phòng, chống dịch là “5K + vắc-xin + công nghệ”

Trong 34 ngày của làn sóng thứ 4, Bắc Giang có số lượng người mắc cao nhất, với 2.029 ca nhiễm Covid-19, chiếm hơn một nửa tổng số ca mắc mới lây nhiễm trong nước của cả nước.

Tình hình tại Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn được cho là phức tạp khi ngày 29/5 các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phát hiện đột biến gene có các dấu hiệu tăng khả năng lây nhiễm và bệnh tăng nặng hơn so với các đợt dịch trước.

Ngoài 2 địa phương này, TP.HCM đang là điểm nóng với ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và chuỗi liên quan ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Chỉ trong 3 ngày, từ ngày 27/5 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 100 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng lớn nhất với 93 bệnh nhân. Chuỗi lây nhiễm liên quan ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có 7 người.

Để đưa ra các chỉ đạo kịp thời về công tác chống dịch tại Việt Nam, ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về Bắc Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và động viên các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ.

Để chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, đồng thời quán triệt sâu sắc tinh thần nhân dân là chủ thể, là trung tâm trong việc góp phần kiềm chế, đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh.

Với tinh thần “ba không”: “Không được nói không có tiền, không được nói không có người, không được nói không có cơ chế, chính sách, thiết bị y tế, sinh phẩm…”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng quyết định xử lý các kiến nghị của địa phương, các vấn đề phát sinh trong phạm vi thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp công nghệ mới bắt buộc để phục vụ phòng, chống dịch tại Bắc Giang và nhân rộng ra cả nước. Thủ tướng thống nhất bổ sung phương châm phòng chống dịch là “5K+vắc-xin+công nghệ”.

Tại tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang những ngày qua đã phát hiện thêm nhiều ca bệnh, thậm chí ở Bắc Giang có ngày lên tới hơn 300 ca. Do vậy Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch ở tại hai tỉnh này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả vẫn được giữ vững.

Tuy nhiên, tại Bắc Giang, Bộ Y tế đã có những thay đổi về phòng chống dịch trong cách ly, xét nghiệm và điều trị.

Cụ thể, trong cách ly, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong các khu vực đông người, đặc biệt khu vực nhà trọ công nhân giúp kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm trong công nhân tại các khu nhà trọ.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thực hiện giãn cách trong sản xuất, cách ly công nhân trong sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ngành Y tế cũng tiến tới bước tập huấn cho công nhân nhà máy có thể tự lấy mẫu xét nghiệm

Với thay đổi trong cách thức xét nghiệm, trước đây, Việt Nam chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR (kết quả chính xác cao, nhưng mất nhiều thời gian từ 4- 6 tiếng), hiện nay chúng ta áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc cho công nhân và các đối tượng F1. Điều này nhằm mục tiêu sớm đưa người có mầm bệnh ra khỏi cộng đồng trên quan điểm "nhầm hơn sót".

Thực tế, Bắc Giang đã bắt đầu triển khai phương pháp này, cho kết quả ban đầu rất khả quan. Lượng mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang tăng gấp 2,5 lần so với Đà Nẵng hồi tháng 7 - 8/2020.

Ngành Y tế cũng tiến tới bước tập huấn cho công nhân nhà máy có thể tự lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm để bảo vệ cho các nhà máy khi quay lại sản xuất đảm bảo an toàn, làm việc bình thường.

Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phòng cấp cứu, các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở. Việc điều trị ngay tại tuyến cơ sở đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng hỗ trợ cho khu vực này bằng cách huy động lực lượng lớn cán bộ chuyên môn y tế của các trường Đại học, cao đẳng, học viện y khoa, các bệnh viện trên cả nước tập trung cho Bắc Giang, Bắc Ninh để sớm kiểm soát tốt tình hình dịch ở hai địa bàn.

Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã có hơn 2.000 cán bộ y tế, sinh viên y khoa từ các nơi khác hỗ trợ chống dịch.

Ngay từ khi Việt Nam xuất hiện ca mắc đầu tiên, Bộ Y tế đã rất tích cực, tìm nhiều cách để tiếp cận các nguồn vắc-xin khác nhau

Chưa kể hơn 26.000 người khác luôn trong tình trạng sẵn sàng lên đường khi có tâm dịch cần họ. Quan điểm của Bộ Y tế là kiểm soát tốt tình hình dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang nghĩa là cơ bản kiểm soát dịch tốt trên toàn quốc.

Một điểm đặc biệt khác liên quan đến chiến lược vắc-xin. Theo đó, Bộ Y tế đã chuyển hàng trăm nghìn liều vắc-xin về cho hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, những người có nguy cơ mắc bệnh tại hai tỉnh. Điều này góp phần đảm bảo vấn đề an toàn khi trở lại sản xuất bình thường.

Trên phạm vi cả nước, theo Bộ trưởng Y tế, ngay từ khi Việt Nam xuất hiện ca mắc đầu tiên, Bộ Y tế đã rất tích cực, tìm nhiều cách để tiếp cận các nguồn vắc-xin khác nhau.

Quỹ COVAX Facility cam kết hỗ trợ cho Việt Nam 39 triệu liều vắc-xin. Qua Hệ thống tiêm chủng VNVC, Bộ Y tế tiếp cận và mua 30 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nghị định cho phép Bộ Y tế ký thỏa thuận khung với Pfizer, số lượng cung ứng khoảng 30 triệu liều.

Cơ quan này cũng đang đề nghị mua thêm 10 triệu liều AstraZeneca, 10 triệu liều Pfizer qua chương trình COVAX Facility.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ước tính số lượng 150 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 có thể đáp ứng được trong năm nay.

Tuy nhiên, do nguồn cung ứng khan hiếm nên có thể doanh nghiệp không thực hiện được theo lộ trình, thỏa thuận về mặt thời gian, số lượng.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, theo Nghị định 21 của Chính phủ, ngoài ngân sách nhà nước, Việt Nam còn tận dụng mọi nguồn lực để mua vắc-xin.

Trong cơn sóng dữ của làn sóng dịch thứ 4, khó khăn của đội ngũ tuyến đầu chống dịch là chất chồng song không vì thế mà họ buông rơi trận địa

Nhìn lại làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam, chúng ta hẳn còn nhớ ca bệnh tại Hà Nam là nam thanh niên sau khi cách ly tập trung về nhà đã không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà tổ chức ăn uống tụ tập đông người.

Từ ca bệnh này, nhiều người đã từng tiếp xúc với nam thanh niên trở thành F0. Xã Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam trở thành điểm tâm chấn của làn sóng lần thứ 4, báo hiệu nhiều nguy hiểm sau này.

Đến ngày 28/5, tổng số bệnh nhân Covid-19 liên quan ổ dịch này đã lên tới 29 người. Hiện tại, ổ dịch này về cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện thêm bệnh nhân mới ngoài cộng đồng.

Ổ dịch thứ hai là quán bar Sunny, Vĩnh Phúc khi ngày 30/4 tại đây đã phát hiện 6 nhân viên mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc nhóm chuyên gia Trung Quốc (cách ly tập trung ở Khách sạn Như Nguyệt 2, TP. Yên Bái). 

Đặc biệt, sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên tại Hà Nam, hai thành trì cuối cùng của hệ thống phòng chống dịch là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K trở thành ổ dịch vì có nhiều ca bệnh, buộc cơ sở phải phong toả, cách ly y tế.

Ổ dịch lớn nhất, sức công phá mạnh nhất tới thời điểm hiện tại là các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá tình hình dịch tại Bắc Giang nghiêm trọng và phức tạp nhất từ trước đến nay.

Trong làn sóng dịch lần này, lần đầu tiên, Việt Nam rơi vào trạng thái dịch Covid-19 xâm nhập cùng lúc với nhiều ổ dịch, nguồn lây nhiễm và biến chủng. Đó là biến chủng B.1.1.7 (từ Anh); biến chủng kép B.1.617.2 (từ Ấn Độ). Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trong không khí, đã rút ngắn chu kỳ lây nhiễm từ một tuần xuống còn 3-4 ngày, thậm chí 2 ngày.

Trong cơn sóng dữ của làn sóng dịch thứ 4, khó khăn của đội ngũ tuyến đầu chống dịch là chất chồng song không vì thế mà họ buông rơi trận địa.

Câu chuyện bác sĩ, sinh viên tình nguyện lên đường tới Bắc Giang, Bắc Ninh với tờ đơn để trống ngày về; cắt tóc, cạo trọc đầu trước khi vào tâm dịch để tiết kiệm thời gian cũng khiến nhiều người cay cay nơi sống mũi.

Rất nhiều tấm gương chống dịch đã xuất hiện. Hình ảnh cán bộ y tế làm việc thâu đêm suốt ngày hay ngất xỉu vì làm việc kiệt sức trong thời tiết nắng nóng với bộ đồ bảo hộ kín bưng đã khiến nhiều người xúc động.

Câu chuyện bác sĩ, sinh viên tình nguyện lên đường tới Bắc Giang, Bắc Ninh với tờ đơn để trống ngày về; cắt tóc, cạo trọc đầu trước khi vào tâm dịch để tiết kiệm thời gian cũng khiến nhiều người cay cay nơi sống mũi.

Chưa kể, đó là tình cảm ủng hộ, tương thân, tương ái với hàng trăm chuyến hàng từ thiện thấm đậm tình cảm của nhân dân khắp mọi miền cả nước được gửi tới các Bắc Giang, Bắc Ninh làm ấm lòng những người đang khốn đốn vì dịch.

Hàng trăm doanh nghiệp dù đang vật lộn trong khó khăn do dịch Covid-19 gây ra vẫn sẵn sàng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 hàng tỉ đồng để hiện thực hoá mục tiêu bao phủ 75% người dân Việt được tiêm vắc-xin.

Chúng ta cùng hi vọng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự đồng lòng nhất trí của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác, tương thân, tương ái, đại dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, giúp người dân được sống những ngày tháng yên bình.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Thay đổi trong chiến lược phòng chống Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 6h đến 12h ngày 29/5 có 49 ca ghi nhận trong nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư