Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Pinaco: Áp lực tài chính từ kế hoạch mở rộng công suất
Lâm Vũ - 01/07/2021 09:17
 
Tình hình kinh doanh của Pinaco - PAC từ quý II/2021 được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh giá các nguyên vật liệu chính như chì, kẽm tăng mạnh, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp.
 Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Pin Ắc quy miền Nam.

Quý II khó khăn hơn

Kết thúc quý đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco -PAC) cho biết, doanh thu thuần đạt 881,1 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng thấp hơn, với chỉ 5,4% đã giúp lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt mức tăng 20,7% so với quý I/2020 là 124,89 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí tài chính trong quý đã giảm khá mạnh về 13,7 tỷ đồng so với 32,2 tỷ đồng của quý I năm ngoái, chủ yếu nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá bên cạnh chi phí lãi vay cũng được kéo giảm, trong khi doanh thu tài chính tăng trưởng nhẹ đã giúp hoạt động này tạo ra 2,5 tỷ đồng lợi nhuận, đảo chiều từ mức âm 17,1 tỷ đồng trong quý I/2020.

Tăng trưởng về lợi nhuận gộp cùng hoạt động tài chính đảo chiều đã giúp lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của Pinaco đạt 55,3 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 40,2 tỷ đồng, tăng 37,7% dù các chi phí bán hàng và quản lý đều tăng trong quý đầu năm, trong đó, chi phí bán hàng tăng đến 68% (gần 24 tỷ đồng) do doanh nghiệp tăng chi phí quảng cáo và các chi phí bán hàng khác.

Kết quả kinh doanh của Pinaco phục hồi khá tốt sau khi chịu ảnh hưởng từ Covid-19 khiến doanh thu thuần giảm 4,1%, lợi nhuận trước thuế giảm 10,6% năm 2020. Tuy vậy, sau khởi đầu tích cực, bức tranh kinh doanh từ quý II/2021 được dự báo khó khăn hơn trong bối cảnh giá các nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Cụ thể, theo số liệu cập nhật của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công thương (VITIC), giá kẽm giao tháng 6/2021 trên sàn Thượng Hải đã tăng lên 22.740 CNY (tương đương 3.493 USD/tấn). Đây là mức cao nhất trong hơn 3 năm qua. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng giá vào khoảng 75%. Có mức tăng thấp hơn, nhưng giá chì cũng đã tăng hơn 33% so với vùng giá tháng 5/2020 và hiện ở vùng giá cao nhất 3 năm.

Chì và kẽm là 2 nguyên vật liệu sản xuất chính của Pinaco, trong đó chì chiếm 65-70% chi phí sản xuất ắc quy và kẽm chiếm 30% chi phí sản xuất pin. Do đó, sự biến động về giá của các nguyên liệu này sẽ tác động mạnh đến tỷ suất lợi nhuận gộp.

Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, trong quý đầu năm nay, giá chì bình quân giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, trong khi giá kẽm tăng 20% đã giúp biên lợi nhuận gộp của Pinaco được cải thiện do doanh thu ắc quy chiếm khoảng 90% tổng doanh thu. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể chịu áp lực trong quý II/2021 sau khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Pinaco đặt mục tiêu đạt 3.700 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế dự kiến 195 tỷ đồng, chỉ tăng 2,9% so với thực hiện năm 2020 và thấp hơn kết quả thực hiện của năm 2018-2019, cho thấy sự thận trọng của Ban lãnh đạo trong việc đặt kế hoạch.

Áp lực tài chính từ dự án mở rộng công suất

Pinaco đang vận hành 2 nhà máy sản xuất pin tại TP.HCM và 2 nhà máy sản xuất ắc quy với tổng công suất 2,2 triệu kWh tại KCN Biên Hòa 1 và KCN Dệt May Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Trong 2 nhà máy ắc quy này, nhà máy tại KCN Biên Hòa 1 sẽ phải di dời bởi theo quy hoạch đã được phê duyệt, KCN Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi công năng thành dự án đô thị và thương mại. Để phục vụ cho kế hoạch di dời, Pinaco đã mua 9 ha đất tại KCN An Phước (Long Thành, Đồng Nai) từ năm 2019 để xây dựng nhà máy mới.

Song song với việc di dời, Công ty cũng nâng thêm 1 triệu kWh công suất sản xuất ắc quy so với hiện nay, với khoảng 70%  dành cho sản xuất ắc quy CMF (ắc quy miễn bảo dưỡng - Calcium Maintenance Free). Riêng trong năm 2021, Pinaco có kế hoạch đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để nâng tổng công suất sản xuất ắc quy thêm 100.000 kWh, với một nửa công suất tăng thêm sẽ dành cho các ắc quy CMF.

Việc mở rộng này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao dư địa tăng trưởng dài hạn cho Pinaco, song “chi phí huy động cho việc mở rộng sẽ hạn chế tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2021 - 2023”, phân tích của HSC đánh giá.

Cụ thể, HSC cập nhật, tổng vốn đầu tư cơ bản để mở rộng vào khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó 700 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng nhà máy mới và lắp đặt máy móc trong năm 2022 và 2023, dự báo Pinaco sẽ phải tăng đáng kể dư nợ dài hạn trong giai đoạn 2020-2025 để tài trợ cho việc mở rộng công suất, làm tăng chi phí lãi vay và gây áp lực lên lợi nhuận.

Thông thường khi lên kế hoạch đầu tư mới, doanh nghiệp có thể tăng vốn bằng cách huy động thêm từ các cổ đông, tuy vậy, hiện nay tại Pinaco, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn nắm vai trò sở hữu chi phối với 51,4% cổ phần, việc tăng vốn bằng phát hành mới được đánh giá sẽ khá khó khăn.

Tăng vốn, Pinaco chưa dễ mở rộng thị trường
Công ty cổ phần Pin ắc quy miền Nam - Pinaco (mã PAC, sàn HOSE) sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp 1,5 lần. Quy mô mở rộng có thể tạo sức bật mới cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư