Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
PV Power: Doanh thu giảm về 20.768 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh chính âm 1.508,6 tỷ đồng
Duy Bắc - 11/10/2022 08:07
 
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã POW - sàn HoSE) công bố tình hình kinh doanh trong tháng 9 năm 2022 và kế hoạch tháng 10.

Cụ thể, trong tháng 9/2022, PV Power ghi nhận doanh thu ước đạt 1.823 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt khoảng 20.768 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đóng góp 6.671 tỷ đồng, chiếm 32,1% tổng doanh thu; Nhà máy điện Cà Mau 1& 2 đóng góp 5.203 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng doanh thu; Nhà máy điện Vũng Ánh 1 đóng góp 5.204 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng doanh thu; Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 đóng góp 2.149 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng doanh thu, còn lại là nhà máy điện Hủa Na, Nhà máy điện Đakđrink và CTCP Năng lượng tái tạo ĐLDK đóng góp 1.541 tỷ đồng, chiếm 7,4% tổng doanh thu.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, PV Power ghi nhận doanh thu thuần đạt 20.967 tỷ đồng. Như vậy, ước tính doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 đã giảm gần 1% so với cùng kỳ năm trước.

PV Power cho biết thêm, tại Nhà máy điện Cà Mau 1& 2, lượng khí giao tháng 9 ở mức thấp do bảo dưỡng dàn PM3. Do đó, Nhà máy điện Cà Mau 2 vận hành với sản lượng thấp và không hoàn thành kế hoạch sản lượng.

Tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, chào giá bám sát Qc và vận hành trong các thời điểm giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi. Tuy nhiên, nhà máy không hoàn thành kế hoạch sản lượng.

Tại Nhà máy điện Vũng Ánh 1, nhà máy đang dừng tổ máy số 1 để xử lý sự cố, giá thị trường trong tháng rất cao, nhà máy vận hành với sản lượng trung bình 10,6 triệu kWh/ngày và vượt kế hoạch sản lượng.

Tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, nhà máy được giao Qc rất thấp, giá thị trường đầu tháng cao, nhà máy chào giá vận hành vào thời điểm giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi…

Về kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, dự án đầu tư nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, nhà thầu EPC đang xử lý nền, hoàn tất thiết kế triển khai các bước tiếp theo. Tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án theo đúng tiến độ.

Bước sang tháng 10, PV Power ước tính sản lượng 1.489 triệu kWh và doanh thu 1.360 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và giảm 25,4% so với thực hiện trong tháng 9/2022.

Lợi nhuận quý II giảm 32,6% về 582,1 tỷ đồng

Trước đó, trong quý II/2022, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 7.462,39 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 582,1 tỷ đồng, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,4% về chỉ còn 12,4%.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 14.523,78 tỷ đồng, giảm 7% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.385,6 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ.

Công ty cho biết doanh thu tài chính sụt giảm 72,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 342,9 tỷ đồng về 127,95 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 9,1%, tương ứng giảm 33,49 tỷ đồng về 334,66 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tài chính giảm do hụt doanh thu tài chính khác khi ghi nhận 0,73 tỷ đồng so với cùng kỳ 306 tỷ đồng, giảm 395,27 tỷ đồng so với cùng kỳ; đối với chi phí tài chính, mặc dù Công ty giảm chi phí lãi vay nhưng bất ngờ ghi nhận tới 38,6 tỷ đồng chi phí tư vấn tái cấu trúc so với cùng kỳ không ghi nhận.

Ngoài ra, tổng lỗ tỷ giá lên tới 82,24 tỷ đồng so với cùng kỳ là 16,67 tỷ đồng, tức tăng lỗ tỷ giá thêm 65,57 tỷ đồng.

Trong năm 2022, PV Power đặt kế hoạch tổng doanh thu 24.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 743 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 186,5% kế hoạch năm (kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đặt thấp, giảm 64% so với thực hiện năm 2021).

Dòng tiền PV Power ghi nhận âm kỷ lục từ năm 2014 tới nay

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, PV Power ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.508,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 821,4 tỷ đồng, tức giảm 2.330 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 238,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 77,8 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty đã  phải giảm lượng tiền mặt để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Theo tìm hiểu, cổ phiếu POW niêm yết trên sàn HoSE từ đầu năm 2019 tới nay. Được biết, kể từ thời điểm niêm yết năm 2019 cũng như dữ liệu Báo cáo tài chính bắt đầu công bố từ năm 2014 tới nay, Công ty chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính âm. Như vậy, 6 tháng đầu năm với việc ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục 1.508,6 tỷ đồng, đây là giá trị âm kỷ lục từ năm 2014 tới nay.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của PV Power tăng 8,9% so với đầu năm lên 57.698,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản cố định đạt 30.487,2 tỷ đồng, chiếm 52,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 13.681 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 7.135,3 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 18,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.619,6 tỷ đồng về 7.135,3 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 135,9%, tương ứng tăng thêm 7.881,6 tỷ đồng lên 13.681 tỷ đồng.

Công ty có thuyết minh phải thu ngắn hạn có dấu hiệu tăng đột biến do phải thu của khách hàng Công ty Mua - Bán điện tăng 5.886,4 tỷ đồng lên 11.150,3 tỷ đồng (đầu năm là 5.263,9 tỷ đồng). Ngoài ra, trả trước cho nhà thầu xây lắp cũng tăng thêm 1.907,5 tỷ đồng lên 2.007,7 tỷ đồng (đầu năm 100,2 tỷ đồng).

Ngoài ra, về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 3,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 284,6 tỷ đồng lên 8.742,4 tỷ đồng và chiếm 15,2% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/10, cổ phiếu POW tăng 350 đồng lên 11.000 đồng/cổ phiếu.

PV Power: 7 tháng đầu năm, doanh thu giảm 5,7% về 16.672 tỷ đồng
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã POW - sàn HoSE) tiếp tục công bố bức tranh tài chính suy giảm trong tháng 7 và lũy kế 7 tháng đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư