Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
PVOIL thực hiện mua nhanh, bán nhanh để giảm lỗ, mạnh tay cắt giảm công ty con
Minh Uyên - Thu Hương - 08/06/2020 17:17
 
ĐHĐCĐ của Tổng công ty Dầu Việt Nam đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 chưa bao gồm ảnh hưởng của Covid-19 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 376 tỷ đồng, tăng 8% so với 2019

ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 chưa bao gồm ảnh hưởng của dịch Covid-19 với doanh thu hợp nhất tạm tính theo giá dầu thô 60 USD/thùng là 52.200 tỷ đồng, bằng 65% so với kết quả năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 376 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Doanh thu và lợi nhuận của công ty mẹ là 32.200 tỷ đồng và 280 tỷ đồng.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL chia sẻ, sản lượng trong tháng 4 sụt giảm lớn nhất, tới 18% so với kế hoạch do lệnh giãn cách xã hội và suy giảm nhu cầu xăng dầu. Sang tháng 5, lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, PVOIL ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực của sản lượng, tuy nhiên, chưa quay về mức vốn có, vì vậy, sản lượng trong tháng 5 giảm 7% so với kế hoạch. Kết quả quý II/2020, sản lượng có thể sụt giảm 12%.

PVOIL sẽ thực hiện tái cấu trúc, giảm số  21 công ty con với qui mô không đồng đều hiện tại xuống 13 đầu mối để tăng sức cạnh tranh đồng thời tinh giảm bộ máy quản lý
PVOIL sẽ thực hiện tái cấu trúc, giảm số 21 công ty con với qui mô không đồng đều hiện tại xuống 13 đầu mối để tăng sức cạnh tranh đồng thời tinh giảm bộ máy quản lý.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, sản lượng nhìn chung giảm nhưng sản lượng bán qua kênh PV Easy có mức tăng trưởng tốt. Trong tháng 4 là tháng có kết quả kinh doanh tệ hại nhất, thì sản lượng bán qua kênh PV Easy không thấp hơn so với tháng 12/2019. Vào tháng 5, lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, sản lượng bán qua kênh này tăng vọt  lên 174 m3 dầu/ngày, tương đương tăng 27% trong khi chi phí ở mức chấp nhận được.

PVOIL xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới.

Kịch bản 1 là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, du lịch tăng trưởng trở lại thì sản lượng của cả năm giảm 8-10%.

Kịch bản 2 là nếu dịch bệnh bùng phát đợt 2 trên thế giới thì sản lượng xăng dầu có thể giảm 18%.

Trong quý I/2020, sản lượng sụt giảm 4% của PVOIL là tương đối thấp so với một số doanh nghiệp cùng ngành. Bởi lẽ, hệ thống cây xăng của PVOIL chủ yếu là nằm ở các tỉnh, thành phố nhỏ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các học sinh, sinh viên và người lao động phần lớn đều ở quê nên sản lượng ở các cây xăng có sụt giảm nhưng không nhiều. Còn các cây xăng ở thành phố thì sụt giảm từ 40-60% sản lượng. Bên cạnh đó, PVOIL tăng cường bán hàng qua kênh công nghiệp, các nhà máy, nên sản lượng bán qua kênh này tăng trưởng 1,5 lần. Tính chung, sản lượng quý I chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.

PVOIL cũng đã thực hiện kiểm soát hàng tồn kho chặt chẽ, thực hiện mua nhanh bán nhanh trong thời gian qua, nên đã hạn chế thấp nhất tác động của giá dầu giảm mạnh, số lỗ hàng tồn kho ở mức thấp khi so với các doanh nghiệp cùng ngành ở cùng mặt bằng sản lượng.

Khi giá dầu phục hồi trở lại PVOIL đã tăng tồn kho nhưng vẫn ở mức có thể kiểm soát bởi diễn biến giá dầu rất phức tạp và khó dự đoán.

Trong năm 2020, bên cạnh những tác động của kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của PVOIL còn có khả năng bị ảnh hưởng bởi Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ ngừng hoạt động để bảo dưỡng khoảng 50 ngày từ cuối quý 2/2020.

PVOIL quyết định không chia cổ tức năm 2019 bởi lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty sau khi bù đắp khoản lỗ của năm trước chỉ còn lại 98 tỷ đồng, tương đương 0,9% vốn điều lệ, nên HĐQT đề nghị phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế chuyển sang năm sau.

PVOIL sẽ thực hiện tái cấu trúc, giảm số 21 công ty con với quy mô không đồng đều xuống 13 đầu mối để tăng sức cạnh tranh đồng thời tinh giảm bộ máy quản lý. PVOIL cũng đang thực hiện đàm phán thoái vốn khỏi Petech với đối tác PV GAS. Kho và cảng của Petec có tiềm năng, nên PVGAS muốn phát triển LPG thông qua hệ thống Petec.

Theo ông Dương, đây là giao dịch có lợi cho cả 2 bên, nhưng tất cả chỉ đang trong quá trình thảo luận. Thương vụ này nếu thuận lợi, nhanh nhất thì giao dịch có thể thực hiện vào cuối năm nay.

Cổ đông thắc mắc về giải pháp và kế hoạch kinh doanh của Tổng công ty trong điều kiện giá dầu tăng trở lại, ông Dương cho hay, quá trính thoái vốn sở hữu nhà nước xuống 35% chưa thực hiện được là do công đoạn quyết toán cổ phần hóa vẫn chưa xong, dẫn đến khi các quyết định kinh doanh được đưa ra phải theo qui định của Nhà nước.

Đơn cử, nếu PVOIL muốn đầu cơ xăng dầu khi giá lên còn phải được sự đồng ý của đại diện chủ sở hữu là Nhà nước, trong khi phương án nhiều rủi ro, phụ thuộc lớn vào giá thế giới thì việc xin phép này không hề đơn giản. Vì vậy, để phát huy hết năng lực của công ty, PVOIL  phải cơ cấu lại vốn sở hữu, theo đó giảm bớt tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

PV Oil tiếp tục tài trợ giải đua xe ô tô địa hình 2019
Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil) và Công ty cổ phần OTV Truyền thông vừa ký Thỏa thuận về việc thương hiệu PV Oil trở thành tên giải của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư