Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
PVTex lên kế hoạch lãi từ năm 2019
Thanh Hương - 29/02/2016 14:27
 
Công ty cổ phần Hóa dầu xơ sợi Dầu khí (PVTex) mới đưa ra mục tiêu đến tháng 8/2018 doanh thu sẽ đủ bù biến phí và định phí, sau đó từ năm 2019 sẽ bắt đầu có lãi.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năm 2015, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của PVTex đã dừng sản xuất 3 đợt để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn cho sản xuất - kinh doanh. Sau đó, ngày 17/9/2015, PVTex đã dừng vận hành và sẽ có kế hoạch hoạt động trở lại trong quý I/2016.

Trong trả lời báo chí mới đây, ông Đào Văn Ngọc, Tổng giám đốc PVTex cho biết, quyết định dừng sản xuất là do biến động quá bất lợi của thị trường xơ sợi trong nước và quốc tế. Sự biến động giá này xuất phát từ một số nguyên nhân chính như giá dầu thế giới liên tục giảm xuống đáy (35 USD/thùng, thấp nhất từ năm 2008 đến nay).

.
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Trượt giá của VND so với USD cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của PVTex vì phải nhập nguyên liệu để sản xuất và bán hàng nội địa. Trong khi đó, Trung Quốc thả nổi tỉ giá nhân dân tệ từ tháng 8/2015 đã hạn chế nhập khẩu xơ sợi vào nước này và thúc đẩy sản phẩm xơ sợi Trung Quốc xuất sang khu vực lân cận, chiếm lợi thế về giá bán, kéo theo những đợt chạy đua giảm giá mới.

Bên cạnh đó, cuối năm 2015, thời tiết ấm bất thường khiến sản phẩm may mặc mùa đông khó tiêu thụ, xu hướng sử dụng cotton đang phát triển mạnh hơn, đây đều là những yếu tố bất lợi đối với ngành xơ sợi polyester. Thông thường vào tháng cuối năm, các nhà máy đua nhau giảm giá để bán hết lượng hàng tồn kho, trong khi nhu cầu thị trường không tăng, nên việc cạnh tranh về giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của PVTex.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của PVTex do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng). Nhưng ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.

Tháng 11/2015, khi trả lời Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, do áp dụng công nghệ hiện đại, lần đầu thực hiện tại Việt Nam, nên năng lực vận hành còn hạn chế, chưa phát huy hết công suất, chưa ra được sản phẩm chất lượng cao tương ứng.

Dự án được nghiệm thu từ tháng 3/2014, đến tháng 9 đi vào vận hành nhưng chỉ đạt 48% công suất. Sản phẩm làm ra có lúc chất lượng chưa đạt, giá thành cao, nên không cạnh tranh được. Điều này khiến Nhà máy lỗ hơn 1.000 tỷ đồng riêng trong năm 2014”, Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Một số nguyên nhân khác khiến Nhà máy thua lỗ là định mức chi phí, vận hành khi đi vào thực hiện đã cao hơn nhiều so với lúc lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, đã chỉ đạo chủ đầu tư là PVN tìm biện pháp khắc phục, rà soát máy móc - công nghệ, nâng cao tay nghề cán bộ vận hành cũng như kỳ vọng việc đàm phán với Tập đoàn Dệt may Việt Nam về việc mua 50% sản phẩm có thể giúp doanh nghiệp này giảm lỗ, dù thừa nhận giá bán vẫn kém cạnh tranh.

Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, với nhiều giải pháp như trên, cùng với kiến nghị Chính phủ cho hưởng một số ưu đãi, hy vọng số lỗ của PVTex sẽ giảm còn 600 tỷ đồng năm 2015 và năm 2016 sẽ cân bằng tài chính.

Cũng có mục tiêu thoát khỏi vũng lầy, PVTex mới đây đã đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu trách cho phép tái cấu trục tài chính PVTex, điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ và tăng vốn điều lệ của PVTex để đảm bảo nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; cho phép PVTex khoanh khấu hao đến hết năm 2017 để bảo toàn vốn chủ sở hữu và từ năm 2018 trở đi doanh nghiệp sẽ thực hiện việc trích khấu hao.

Đáng chú ý là, bên cạnh đề xuất cho áp thuế chống bán phá giá cho mặt hàng sợi trong giai đoạn đầu sản phẩm PVTex mới thâm nhập thị trường và đang bị cạnh tranh không lành mạnh, PVTex cũng đề nghị có chính sách miễn phí quản lý điện, phí quản lý khu công nghiệp, miễn giảm chi phí thuê đất.

Trước đó, báo cáo của Bộ Công thương tới Chính phủ cho hay, nhiều con số được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã không như thực tế và có sự chênh lệch rất lớn so với tính toán. Cũng bởi sự không chính xác trong tính toán khiến chi phí đầu tư và vận hành đội lên đáng kể, nên dự tính Nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng đã biến thành gần 23 năm sau khi tính toán lại.

Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ 325 triệu USD tạm dừng hoạt động
Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ được đầu tư 325 triệu USD với kỳ vọng tốt đẹp là tự chủ một phần nguyên phụ liệu cho ngành dệt may đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư