Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Quá tải kho chứa, nhà máy lọc dầu tính chuyện ngừng hoạt động
M.C - 03/04/2020 09:33
 
Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, công ty đang xem xét phương án, nếu nguồn cung tiếp tục dư thừa, công ty sẽ dừng vận hành nhà máy một thời gian cho tới khi thị trường hồi phục.
Dự báo tiêu thụ xăng dầu trong tháng 4 tiếp tục giảm
Dự báo tiêu thụ xăng dầu trong tháng 4 tiếp tục giảm

Diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và hoạt động kinh tế của tất cả các nước. Một trong những lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề là sản xuất và kinh doanh xăng dầu.

Cung dư thừa, cầu sụt giảm

Tính từ đầu tháng 2/2020, tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ các năm. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc dầu cũng như các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc.

Đứng trước tình thế như vậy, các nhà máy lọc dầu buộc phải giảm công suất để đảm bảo an toàn cho vận hành. Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn cũng phải giảm công suất, các đơn vị nhập khẩu xăng dầu cũng phải giảm sản lượng hoặc ngưng nhập khẩu để phù hợp với tình hình thị trường hiện nay.

Trong quý I năm 2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn, đáp ứng gần 100% nhu cầu xăng dầu nội địa. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan thì tổng lượng nhập khẩu xăng dầu trong 2 tháng đầu và nửa đầu tháng 3 năm 2020 đã hơn 1,63 triệu tấn, chiếm hơn 35% lượng cung xăng dầu nội địa.

Như vậy, trong quý I lượng cung nội địa vượt nhu cầu khoảng 35%, tương ứng với khối lượng nhập khẩu của các đơn vị đầu mối. Điều này gây áp lực rất lớn đến tồn kho xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu và các đơn vị nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng xăng và Jet-A1.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở NMLD Dung Quất với mức trên 90% và buộc Công ty phải gửi hàng đến các kho chứa khác nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành an toàn. Điều này dẫn đến phát sinh tăng chi phí, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giải pháp cho tiêu thụ xăng dầu trong nước

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, trong đó thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc. Như vậy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4 và khó khăn tiếp tục đè trên vai những nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh phân phối xăng dầu.

Một lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết, công ty đang xem xét phương án, nếu nguồn cung tiếp tục dư thừa, công ty sẽ dừng vận hành nhà máy một thời gian cho tới khi thị trường hồi phục.

Nếu nguồn cung tiếp tục dư thừa như hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể dừng hoạt động
Nếu nguồn cung tiếp tục dư thừa như hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể dừng hoạt động

Chung tay phòng chống dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội là việc làm cấp thiết hiện nay của tất cả các cá nhân, tổ chức, xã hội. Tuy nhiên, 2 nhà máy lọc dầu trong nước không thể cân bằng được thị trường nếu không có sự hỗ trợ. Để cung không vượt quá cầu, một mặt các nhà máy lọc dầu trong nước cần giảm công suất đến mức có thể để giảm lượng hàng xuất bán nhưng đồng thời các cơ quan quản lý, bằng các cơ chế chính sách cần hạn chế tối đa hoặc tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Có như thế, cung ứng sản phẩm xăng dầu trong nước mới giảm về mức an toàn, 2 nhà máy lọc dầu và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, các cơ quản lý nhà nước cũng cần tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu… như đã từng làm trước đây.

Với tình hình sụt giảm rất nghiêm trọng của giá dầu hơn 1 tháng qua cũng như dự báo trong thời gian đến, thiệt hại đối với các nhà máy lọc dầu và các đơn vị phân phối xăng dầu là rất lớn. Để có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu cũng cần được các cơ quan chức năng hỗ trợ về các giải pháp tài chính như hỗ trợ giải ngân các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Có như vậy, các nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh xăng dầu mới vượt qua được khó khăn, khủng hoảng hiện nay; sớm ổn định, khôi phục và phát triển sản xuất.

Whiting - công ty khai thác dầu đá phiến lớn đầu tiên phá sản
Whiting trở thành công ty khai thác dầu đá phiến lớn đầu tiên phá sản trước sự sụp đổ của giá dầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư