Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quản chặt đầu tư ra nước ngoài
Nguyên Đức - 25/09/2020 09:26
 
Quy định chỉ pháp nhân mới được đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản là một trong những quy định mới dự kiến được bổ sung nhằm siết chặt quản lý đầu tư ra nước ngoài.
Thương hiệu Mytel của Viettel đã khẳng định được vị thế tại thị trường Myanmar. Ảnh: V.T
Thương hiệu Mytel của Viettel đã khẳng định được vị thế tại thị trường Myanmar. Ảnh: V.T

Tránh việc đầu tư chỉ để định cư hay tẩu tán tài sản

Một nghị định mới thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo. Theo đó, bên cạnh các quy định nhằm cụ thể hóa quyền tự do đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, thì một số quy định mới dự kiến được bổ sung nhằm quản lý chặt hơn đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn nhà nước hoặc các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng nhiều ngoại tệ.

Trong đó, một trong những bổ sung quan trọng, đó là Dự thảo Nghị định quy định, chỉ các doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới được đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Trên thực tế, Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện và điều kiện đó đã được cụ thể hóa trong Dự thảo Nghị định. “Quy định như vậy là để hạn chế những rủi ro lách luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân ở nước ngoài”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo lý giải, việc quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không để đầu tư, kinh doanh.

Một bổ sung quan trọng khác, đó là quy định về đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài. Cụ thể, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài. Bổ sung quy định này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài không ảnh hưởng đến dự án đầu tư tại Việt Nam (không ảnh hưởng đến vốn góp để thực hiện dự án tại Việt Nam - PV), đảm bảo mục tiêu quản lý đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, quy định này cũng nhằm hạn chế tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài sử dụng vốn vay để đầu tư ra nước ngoài, bởi có thể ảnh hưởng đến dự án đầu tư tại Việt Nam, nếu phải dùng vốn góp tại Việt Nam để trả nợ.

“Dự thảo Nghị định cũng đã quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Cụ thể, các cán bộ, công chức, viên chức; các sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; các cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước; người chưa thành niên, người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự… sẽ không được đầu tư ra nước ngoài. Tất nhiên, những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành phạt tù… cũng không được mang tiền ra nước ngoài để đầu tư.

Quy định như thế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cần thiết, phù hợp và thống nhất với pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quan trọng hơn, quy định như vậy giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi ĐTRNN để hạn chế các rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…

Quan trọng là tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt kể từ năm 2015 tới nay. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn này, đã có một sự chuyển biến lớn trong các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bởi nếu trước đây, đầu tư ra nước ngoài được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, như khai khoáng, năng lượng, viễn thông…, thì nay, các doanh nghiệp tư nhân đang chiếm ưu thế.

Có thể kể đến Hoàng Anh Gia Lai, Golf Long Thành, hay mới đây là Tập đoàn TH. Hoàng Anh Gia Lai hiện đầu tư 7 dự án với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD ở nước ngoài. Golf Long Thành cũng đầu tư con số tương tự cho hai dự án tại Lào. Còn Tập đoàn TH có một đại dự án 2,7 tỷ USD ở Nga, trong đó giai đoạn đầu là 500 triệu USD và 2 dự án tại Australia. Và mới đây, Công ty TNHH Vonfram Masan đầu tư sang Đức với vốn đăng ký lên tới 91,5 triệu USD.

“Xét về lợi ích với quốc gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao của quốc gia với các nước bên ngoài, cũng như góp phần củng cố an ninh, quốc phòng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Còn tất nhiên, xét về lợi ích của doanh nghiệp, là cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển về nước khoản lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD. Ngoài ra, khoản lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư là 363 triệu USD.

Bên cạnh phần vốn chuyển về nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng hình thành khối lượng tài sản đáng kể như nhà máy, cơ sở sản xuất giá trị hàng tỷ USD tại nước ngoài.

Song bên cạnh đó, cũng có những “trái đắng” trong đầu tư ra nước ngoài, một số dự án thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, có tình trạng lách luật… Đó chính là lý do vì sao việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài tiếp tục được coi trọng.

Mặc dù vậy, để tạo thuận lợi cho đầu tư ra nước ngoài, khi xây dựng Dự thảo Nghị định lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, trước tiên phải định nghĩa một cách thống nhất và rõ ràng về “vốn đầu tư ra nước ngoài”. Bởi lâu nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về vốn đầu tư ra nước ngoài, làm khó cơ quan quản lý và cho cả nhà đầu tư.

Tương tự, hàng loạt quy định khác cũng được bổ sung, hoặc hủy bỏ, sửa đổi các quy định hiện hành, nhất là các quy định về hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn ra - vào, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, bảo lãnh cho vay ra nước ngoài… Tất cả là để tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Tính đến hết tháng 7/2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 22,9 tỷ USD, trong đó có 1.372 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 20,86 tỷ USD. Vốn đã thực hiện đạt khoảng 9,65 tỷ USD.

Riêng giai đoạn 2006 đến nay, số lượng dự án và số vốn đăng ký chiếm tỷ lệ lần lượt là 90,1% và 97,4% tổng vốn đăng ký. Từ năm 2015 đến nay, số lượng dự án đã chiếm 45% tổng số dự án lũy kế, mặc dù vốn đăng ký chỉ chiếm 14,6% tổng vốn đăng ký.
Bất chấp Covid-19, doanh nghiệp Việt vẫn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài
6 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên 222 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư