Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quan ngại phát hành trái phiếu cho địa phương vay đầu tư cao tốc
Nguyễn Lê - 12/05/2022 16:52
 
Cùng với Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội cũng được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc làm việc chiều 12/5.
.
Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 12/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đã được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/5.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyển nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, chiều dài tuyến đường qua địa phận Hà Nội là 58,2 km; trên địa bàn Hưng Yên là 19,3 km; Bắc Ninh là  25,6 km và tuyến nối 9,71 km.

Dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17 m (bề rộng cầu 17,5 m). Đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục).

Hình thức đầu tư của dự án là đầu tư công kết hợp đầu tư PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 là 50.189 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương: 25.450 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 24,739 tỷ đồng (trong đó, Hà Nội: 21.460 tỷ đồng; Hưng Yên: 1.279 tỷ đồng; Bắc Ninh: 2.000 tỷ đồng).

Nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026 - 2030 là 6.214 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương: 2.750 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 3.464 tỷ đồng (Hà Nội: 2.134 tỷ đồng; Hưng Yên: 230 tỷ đồng; Bắc Ninh: 1.100 tỷ đồng).

Vốn nhà đầu tư: 27.180 tỷ đồng (chiếm 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP). Lãi vay được tính là  2.230 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án trong giai đoạn 2022 - 2026.

Tương tự với Đường Vành đai 3 TPHCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án) cho rằng, quy mô 4 làn xe, mặt đường 17 m và mặt cầu 17,5 m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp) là chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ô tô cao tốc, theo đó phải bao gồm 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục.

Về tốc độ thiết kế, theo tờ trình, Dự án thành phần 3 có vận tốc thiết kế là 100 - 120km/h. Tuy nhiên có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, việc Dự án có nhiều nút giao liên thông trên tuyến và dự báo lưu lượng giao thông của tuyến vành đai 4 là rất lớn.

Thời gian vừa qua, các tuyến cao tốc được thiết kế theo vận tốc 100 - 120km/h, nhưng tốc độ khai thác thực tế chỉ đạt trung bình hoặc thấp. Ví dụ như tốc độ khai thác trên tuyến Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đạt khoảng 80 - 90km/h; Vành đai 3 Hà Nội chỉ đạt khoảng 60 km/h.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc đầu tư theo thực tế khai thác để tiết giảm tổng mức đầu tư.

Với phân bổ vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các đường đô thị thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất sử dụng 9.860 tỷ đồng ngân sách Trung ương để thu hồi, bồi thường, tái định cư cho các tuyến đường song hành (đường đô thị). Như vậy, việc sử dụng ngân sách Trung ương để bố trí chi cho nhiệm vụ, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của địa phương là chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Chính phủ cần báo cáo, làm rõ nhiệm vụ đầu tư của Đường Vành đai 4 thuộc cơ quan nào, từ đó xác định ngân sách Trung ương tham gia đầu tư như thế nào, ông Thanh đề nghị.

Mặt khác, theo Ủy ban Kinh tế, Dự án thành phần 3 (áp dụng hình thức đối tác công tư) không tính chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là chưa đúng theo quy định tại Điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dẫn đến phương án tài chính đối với dự án thành phần này là chưa chuẩn xác và phù hợp với bản chất dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị phân chia các dự án thành phần phải phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đồng thời cần xác định rõ chi phí đầu tư Đường Vành đai 4 (bao gồm chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư); chi phí đầu tư đường song hành (bao gồm chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).

Trên cơ sở đó, nghiên cứu phân chia Dự án thành các dự án thành phần như sau: (1) Đường Vành đai 4 (bao gồm cấu phần thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư), đầu tư theo phương thức đối tác công tư; (2) Hai tuyến đường song hành, phân theo địa giới hành chính của từng địa phương, đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra còn đề nghị làm rõ Dự án sau khi kết thúc hợp đồng BOT có tiếp tục triển khai thu phí hay không? Trường hợp tiếp tục triển khai thu phí thì với dự án thành phần 3 sử dụng 18.340 tỷ đồng ngân sách Trung ương và 8.839 tỷ đồng ngân sách địa phương, thì phương án hoàn trả vốn như thế nào. Hơn nữa, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cũng chưa được làm rõ trong hồ sơ Dự án.

Ngoài những vấn đề trên, ông Thanh nói rõ là Thường trực Ủy ban Kinh tế quan ngại với đề xuất cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư Dự án giai đoạn 2024 - 2025, một trong các chính sách được đề xuất tại hồ sơ dự án.

Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư Dự án giai đoạn 2024 - 2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ông Thanh nói, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Chính phủ không được phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại.

Mặc dù, theo tính toán việc phát hành trái phiếu Chính phủ để cho các địa phương vay lại chưa dẫn đến dư nợ công vượt mức trần cho phép, tuy nhiên, mức phát hành thêm này sẽ làm tăng mức vay nợ của Chính phủ ngoài phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

"Hơn nữa, việc chính quyền địa phương vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ và chịu trách nhiệm cân đối ngân sách địa phương để hoàn trả vào ngân sách Trung ương sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân sách. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế quan ngại đối với đề xuất nêu trên", ông Thanh báo cáo rõ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quan điểm này cũng nhận được sự chia sẻ của các ý kiến tham gia thảo luận sau đó. 

Tạo động lực phát triển bứt phá từ Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
Để tạo động lực phát triển từ việc triển khai tuyến Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Chính phủ và các địa phương đề...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư