Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương tại Quảng Ninh
Thanh Sơn - 13/06/2024 15:43
 
Ngày 13/6, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã tổ chức giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương năm 2024.

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương khẳng định, hội nghị là hoạt động thiết thực không chỉ xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương tới thị trường Quảng Ninh, mà còn tăng cường quảng bá sản phẩm của hai địa phương, đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản làm thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trên địa bàn hai tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương tại Quảng Ninh. Ảnh: Sở NN&PTNT Hải Dương
Quang cảnh Hội nghị giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương tại Quảng Ninh. Ảnh: Sở NN&PTNT Hải Dương

Hải Dương là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, chất lượng với sản lượng cao. Đặc biệt, sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước và được sản xuất theo tiêu chuẩn Gap, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc, đang được Trung ương xem xét phê duyệt là sản phẩm OCOP 5 sao (vải tươi Queen Thanh Ha Lychee); quả vải thiều Thanh Hà được bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”, top 10 sản phẩm uy tín chất lượng. Vải thiều Thanh Hà cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ cấp “Chỉ dẫn địa lý” vào năm 2007.

Sản phẩm vải thiều Thanh Hà luôn được thị trường trong nước và nước ngoài đón nhận. Ảnh: Quang Thọ
Sản phẩm vải thiều Thanh Hà luôn được thị trường trong nước và nước ngoài đón nhận. Ảnh: Quang Thọ

Cùng với việc quan tâm đầu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, những năm qua, Hải Dương cũng rất quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Hải Dương trong đó có vải thiều Thanh Hà. Vì vậy, nông sản của tỉnh Hải Dương đã chinh phục không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, nhất là các thị trường cao cấp. Riêng quả vải thiều Thanh Hà đã xuất khẩu thành công sang hầu hết các các thị trường cao cấp, khó tính trên thế giới như Nhật, Mỹ, Anh, Úc, Canada, Newzealand, Thái Lan và một số nước thuộc EU,.. Đối với thị trường trong nước, nông sản của Hải Dương đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn như: VinMark, Sài Gòn Mark, Fivimark, Coop Mark, GO,...

Việc xuất khẩu nông sản là quan trọng, song việc phát huy tối đa thị trường trong nước là ưu tiên hàng đầu, bởi đây là thị trường còn rất nhiều dư địa để khai thác. Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ninh, với dân số đông gần 1,5 triệu người và hàng năm có lượng du khách đến thăm quan du lịch rất lớn (năm 2023 đạt 15,5 triệu lượt, trong đó có 2 triệu lượt du khách quốc tế). Chình vì thế, đây là thị trường mà các nông sản của Hải Dương đã và đang hướng đến. Tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh sẽ đáp ứng được cả 2 yếu tố là tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, để việc kết nối thành công, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khi tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương cần quan tâm đến việc dán tem truy suất nguồn gốc các sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều sản phẩm của Hải Dương và Quảng Ninh được các cơ quan của 2 địa phương tổ chức liên kết, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc tiêu thụ và xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng.

Hiện nay, Hải Dương có hơn 8.850 ha vải thiều và các diện tích trồng vải cơ bản đều được sản xuất theo quy trình an toàn, quy trình VietGAP, trong đó có trên 500 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hơn 100 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Bình quân sản lượng hàng năm đạt khoảng 60.000 tấn. Thời gian có thể cung ứng sản phẩm quả vải thiều tươi ra ngoài thị trường là từ tháng 5 đến hết tháng 6. Ngoài ra, sản phẩm vải thiều sấy khô có thể cung ứng quanh năm.

Bên cạnh đó, ngoài diện tích trồng vải thiều Thanh Hà, Hải Dương còn có hơn 82.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó hơn 62.000 ha là đất trồng cây hàng năm, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Đại diện các đơn vị ký kết hợp đồng thỏa thuận ghi nhớ tiêu thụ nông sản. Ảnh: Sở NN&PTNT Hải Dương
Đại diện các đơn vị ký kết hợp đồng thỏa thuận ghi nhớ tiêu thụ nông sản. Ảnh: Sở NN&PTNT Hải Dương

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện khách sạn Citadines Hạ Long (Quảng Ninh) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức (Hải Dương), Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch T&Y Group (Quảng Ninh) và Công ty CP Nông hữu cơ HD – Green (Hải Dương), khách sạn Bảo Minh Radiant (Quảng Ninh) và trang trại Sơn Trưng (Hải Dương) đã ký kết hợp đồng thỏa thuận ghi nhớ tiêu thụ nông sản chủ lực của Hải Dương.

Các đại biểu cắt băng khai trương khu vực trưng bày sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Sở NN&PTNT Hải Dương
Các đại biểu cắt băng khai trương khu vực trưng bày sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Sở NN&PTNT Hải Dương

Đồng thời, các đại biểu cũng cắt băng khai trương khu trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương tại nhà hàng Green, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long từ nay đến hết 15/6.

Hải Dương lập đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt diện tích 5.300 ha
Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương có diện tích 5.300 ha, dự kiến sẽ có 7 phân khu chức năng với trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư