Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Bình hoãn Đại hội Đảng bộ, tập trung cứu hộ trận lụt lịch sử
PV - 19/10/2020 11:53
 
Ngày 19/10, Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã thống nhất tạm hoãn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, hiện nay ở Quảng Bình nước lũ dâng cao gây ngập trên diện rộng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã quyết định tạm hoãn Đại hội Đảng bộ tỉnh, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình phân công lực lượng tăng cường về các địa phương hỗ trợ cứu hộ, đặc biệt là những nơi có ngập sâu, nguy hiểm.
Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn cho người dân vùng ngập lụt tại Quảng Bình.
Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn cho người dân vùng ngập lụt tại Quảng Bình.
Trước đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình dự kiến tổ chức tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, TP Đồng Hới từ ngày 21-23/10. Tuy nhiên, đến ngày 19/10 mưa lũ đã làm ngập hơn 71.000 nhà dân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa lớn trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã khiến hơn 71.000 nhà ngập chìm trong nước; hàng trăm thôn, xã, bản bị cô lập hoàn toàn, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt và các công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng.
Trước tình hình mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh; các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì nghiêm kíp trực; thường trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị và sẵn sàng lực lượng cơ động, phương tiện để tham gia ứng phó mưa lớn, ngập lụt; Công an tỉnh chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ; Sở Giao thông vận tải chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm bảo an toàn...
Cùng với đó, các địa phương phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét; chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là qua khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm; rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, hạ lưu các hồ đập; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp; tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để người dân vớt củi, bắt cá, lội qua khe, suối… khi đang có mưa lũ.
Quảng Bình: Khởi công cụm trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam
Cụm trang trại điện gió B&T có tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng, công suất 210 MW, do Công ty AMI AC Renewables làm chủ đầu tư, các nhà thầu kinh nghiệm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư