Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Bình sẽ phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới
Hà Nguyễn - 18/01/2021 00:04
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, với tiềm năng và lợi thế, tư duy và cách làm mới, và cam kết của nhà đầu tư, Quảng Bình sẽ phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới.

Nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình vào chiều ngày 17/1/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao khi Quảng Bình đã rất quyết tâm và đã trở thành tỉnh đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào những ngày đầu năm mới 2021.

“Đây là cơ hội tốt để Quảng Bình tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh. Và đây cũng là dịp để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, cập nhật hơn về tiềm năng, lợi thế; về văn hóa và con người Quảng Bình; đặc biệt là nắm bắt rõ những chính sách, những dự án kêu gọi đầu tư để tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư, kinh doanh hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước trong năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trong kết quả chung của cả nước, có sự đóng góp rất quan trọng của tỉnh Quảng Bình”.

.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Ông cũng đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt trong năm 2020. Năm 2020, tuy phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ lịch sử, nhưng tăng trưởng GRDP của Quảng Bình vẫn đạt 2,63%. Tính chung, GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,13%.

Trong giai đoạn này, không chỉ GRDP bình quân đầu người của tỉnh được cải thiện đáng kể, năm 2020 đạt 47,19 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực…; mà kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện rõ rệt; một số dự án công nghiệp lớn, trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, cụm trang trại điện gió B&T đã được khởi công đầu tư và điều này cho thấy quyết tâm cao của tỉnh và các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, Quảng Bình cũng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch để phát triển kinh tế du lịch. “Đây là một trong những thành công lớn của tỉnh trong chiến lược phát triển du lịch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Và đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, tuy còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, nhưng tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư.

Số liệu cho thấy, tính đến nay, Quảng Bình đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 448 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 25 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 1,1 tỷ USD; riêng năm 2020, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 74 dự án với tổng mức đầu tư gần 16,6 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá cao những kết quả này, song một cách thẳng thắn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa thật sự rõ nét; năng suất lao động còn thấp; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang ở thứ hạng thấp; công nghiệp phát triển chưa mạnh mẽ, chưa có các dự án công nghiệp có quy mô lớn, mang tính động lực của nền kinh tế…

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh điểm yếu của Quảng Bình là thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp còn thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, nội thị và các vùng trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ; năng lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa cao…

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Quảng Bình có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, trở thành trung tâm kinh tế của Duyên hải miền Trung.

Các thế mạnh đặc biệt của Quảng Bình được Phó Thủ tướng chỉ ra, đó là có rừng, có biển, có sân bay, có cảng biển, có hệ thống giao thông khá đồng bộ; có nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng…

Đặc biệt, Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Quảng Bình cũng được Tổ chức Kỷ lục Thế giới công nhận là tỉnh có dải cát ven biển dài nhất Việt Nam…

“Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, Quảng Bình có đầy đủ các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, sẽ thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, trung tâm kinh tế biển của khu vực miền Trung”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những việc cần làm ngay để Quảng Bình bứt phá

Không chỉ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình, mà các nhà đầu tư cũng đã nhìn ra các cơ hội vàng ở vùng đất này. Và đó là lý do tại sao, tại Hội nghị, hàng loạt chủ trương đầu tư đã được trao, hàng loạt thỏa thuận đầu tư cũng đã được ký kết, với tổng vốn đầu tư lên tới 6,1 tỷ USD.

Chứng kiến lễ trao chủ trương đầu tư và thỏa thuận hợp tác đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vui mừng khẳng định, đây là “những con số rất ấn tượng”, là lượng vốn đầu tư lớn đối với một địa phương cấp tỉnh, và là tin vui, tín hiệu tốt đối với kinh tế - xã hội của Quảng Bình và cả nước ngay trong những ngày đầu năm 2021.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, Phó Thủ tướng một lần nữa nói về những thời cơ, cũng như thách thức của giai đoạn phát triển sắp tới, của cả nước nói chung, của Quảng Bình nói riêng.

Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển, với mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, Phó Thủ tướng cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quyết liệt để tạo môi trường đầu tư thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, có 7 nhóm công việc mà Quảng Bình phải tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Trước hết, phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc ngành, sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn về du lịch của tỉnh, với mục tiêu là phát triển Quảng Bình trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh du lịch, theo Phó Thủ tướng, Quảng Bình cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như thương mại, vận tải, logistic…

Các lĩnh vực như nông - lâm nghiệp - thuỷ sản cũng cần được tập trung phát triển; coi kinh tế biển là ngành kinh tế quan trọng, giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển, coi nuôi biển là đột phá trong phát triển thủy sản ở Quảng Bình.

Tất nhiên, công nghiệp vẫn là quan trọng, công nghiệp phải là nền tảng, là động lực cho sự phát triển của tỉnh...

Nhiệm vụ thứ hai, là phải rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh - đặt trong mối liên kết vùng, đảm bảo quy hoạch có tính thực tiễn; và trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, xác định rõ lộ trình, nguồn lực thực hiện.

“Quảng Bình cần tập trung xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm 2021- 2025, lựa chọn các dự án ưu tiên để tập trung đầu tư trong giai đoạn tới, làm động lực phát triển cho toàn tỉnh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Các nhiệm vụ khác cần tập trung thực hiện, đó là huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, đảm bảo đồng bộ, từng bước hiện đại; tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…

Việc chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, một chính quyền phục vụ nhân dân, đảm bảo sự hài lòng của người dân… cũng đã được Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Với những tiềm năng và lợi thế của mình, với tư duy và cách làm mới, sáng tạo của tỉnh Quảng Bình thời gian qua, cùng với lời hứa đầu tư và những cam kết nguồn lực tại Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, tôi tin tưởng chắc chắn rằng tỉnh Quảng Bình sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu như vậy.

Quảng Bình hướng đến xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch
Đồng thời, Tỉnh mong muốn thể hiện quyết tâm đồng hành, chung vai sát cánh cùng nhà đầu tư bằng những cam kết cụ thể để nâng cao môi trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư