Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ngãi: Quy hoạch mở ra vận hội mới
Hoài Thanh - 25/12/2023 07:32
 
Ngày 22/11/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 1456/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch mở ra vận hội mới cho tỉnh Quảng Ngãi.
Quy hoạch Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Quy hoạch Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Sáng tạo

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) đặt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Đồng thời, Quảng Ngãi sẽ từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Tiến tới hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Nội dung Quy hoạch đã định hướng phát triển Quảng Ngãi phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các chiến lược quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quy hoạch là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng, khơi thông nguồn lực phát triển. Để đạt được mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch, Quảng Ngãi xác định những ngành kinh tế động lực, tạo sự bứt phá trong thời gian tới. Theo đó, các ngành chủ lực của địa phương gồm công nghiệp, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Để phát triển ngành công nghiệp theo đúng mục tiêu đề ra, Quảng Ngãi xác định tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí); thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn.

“Định hướng trong thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với quy mô hợp lý. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, Quảng Ngãi tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện, phát triển hạ tầng các khu vực công nghiệp quan trọng, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Trung Bộ và cả nước. Đặc biệt là mục tiêu hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Liên quan đến ngành dịch vụ và du lịch, một ngành mà Quảng Ngãi xác định là mũi nhọn của địa phương, ông Đặng Văn Minh cho hay, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân trung tâm du lịch biển - đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của tỉnh.

“Quảng Ngãi sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, phát triển tỉnh trở thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông”, ông Minh khẳng định.

Rộng mở cơ hội cho nhà đầu tư

Trên thực tế, Quy hoạch đã bám sát tiềm năng và lợi thế sẵn có của Quảng Ngãi. Dưới góc nhìn chiến lược, chính quyền tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo để biến lợi thế trở thành động lực cho Quảng Ngãi trong giai đoạn tới.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên nhận định, sự phát triển của Quảng Ngãi không thể tách rời Khu kinh tế Dung Quất. Bởi lẽ, Khu kinh tế Dung Quất là một trong những khu kinh tế biển đầu tiên của Việt Nam, được quy hoạch phát triển theo hướng công nghiệp lọc hóa dầu và công nghiệp nặng. Sự hiện diện của nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại khu kinh tế này đã tạo nên lực hút rất lớn các dòng vốn đầu tư, trong đó phải kể đến như Nhà máy công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), hay Nhà máy thép Hòa Phát. Sự thành công của những nhà đầu tư tên tuổi này đã tạo đà, định hình hướng phát triển cho Quảng Ngãi trong nhiều năm tới.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho hay, các cấp lãnh đạo địa phương luôn coi việc kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh làm nhiệm vụ hàng đầu, bởi vậy Quảng Ngãi giữ vị thế quan trọng trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có vị trí nhất định trên bản đồ thu hút đầu tư.

Cũng theo ông Trọng, Quảng Ngãi đã và đang tạo nên lực hút khá tốt đối với các dòng vốn đầu tư. Bên cạnh sức hút từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Doosan, Hòa Phát, thì sự hiện diện của VSIP Quảng Ngãi là một nhân tố rất quan trọng để kiến tạo môi trường đầu tư cho tỉnh.

Được biết, năm 2023 là tròn 10 năm hình thành VSIP Quảng Ngãi. Sự kiện này sẽ là một trong những chương trình bên lề Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 24/12 tới. VSIP đã mang lại một diện mạo mới trong thu hút đầu tư vào công nghiệp Quảng Ngãi thông qua kinh nghiệm cũng như sự chuyên nghiệp trong đầu tư hạ tầng và kêu gọi nhà đầu tư vào VSIP.

Cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi sẽ rộng mở hơn khi địa phương này lấy việc đầu tư hạ tầng để tạo khung phát triển kinh tế là tầm nhìn mang tính chiến lược. Về vấn đề này, ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi thông tin, địa phương sẽ nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum khi được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, đảm bảo về điều kiện bố trí nguồn lực và quy định hiện hành, nhằm tăng tính kết nối giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

“Quảng Ngãi sẽ tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại, hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên thông, có khả năng lan tỏa lợi ích lớn và phục vụ đa mục tiêu. Dự kiến huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ đầu tư loạt công trình, dự án hạ tầng giao thông lớn để tạo động lực phát triển như khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, chiều dài gần 27 km kết nối trực tiếp trung tâm TP. Quảng Ngãi với Khu kinh tế Dung Quất”, ông Phong cho hay.

Ngoài ra, Quảng Ngãi sẽ triển khai đầu tư Dự án cầu Trà Khúc 1, với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, bắc qua sông Trà Khúc nối hai bờ Bắc - Nam TP. Quảng Ngãi. Đây là công trình kết cấu hạ tầng không chỉ giải quyết bài toán về giao thông, mà còn là công trình động lực, tạo điểm nhấn cho đô thị Quảng Ngãi.

Tìm nhà đầu tư cho dự án khu dân cư trăm tỷ đồng ở miền núi Quảng Ngãi
Quảng Ngãi vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời tìm nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư phía Đông bờ kè suối Tài Năng, thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư