Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản chuyển đổi số toàn diện
Thu Lê - 02/03/2022 11:48
 
Với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Chuyển đổi số toàn diện

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo kế hoạch đã được đề ra, Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2022, Quảng Ninh bắt đầu triển khai việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết thủ tục hành chính các cấp. Phấn đấu hết năm 2023 sẽ hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: đất đai; cán bộ, công chức, viên chức; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông. Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa. Đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Quảng Ninh và FPT ký kết hợp tác thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Quảng Ninh và FPT ký kết hợp tác thực hiện chuyển đổi số toàn diện.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, việc chuyển đổi số cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; các sở, ngành, địa phương cần vào cuộc thực hiện tích cực, khẩn trương. Trong năm 2022, khẩn trương thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. Một số lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số… cần sớm triển khai và thực hiện chuyển đổi số toàn diện.

Thực hiện điều này, mới đây, ngày 25/2, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, FPT cam kết cùng tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cấp chính quyền điện tử; xây dựng vận hành nền tảng số hoá thủ tục hành chính cho toàn tỉnh, đảm bảo tích hợp 100% dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; xây dựng, nâng cấp và vận hành các Trục kết nối giữa Trung ương và tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (FPT.LGSP), Trục quản lý văn bản… 

FPT cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng kho tài nguyên dữ liệu, xây dựng trung tâm dữ liệu mới, cung cấp hạ tầng và quản trị trên nền tảng đám mây (Cloud) của FPT; đẩy mạnh việc hình thành khu công nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, dựa trên hệ sinh thái các nền tảng, giải pháp công nghệ Made by FPT, Tập đoàn sẽ hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế số trong các ngành trọng tâm, thế mạnh của tỉnh: sản xuất công nghiệp, năng lượng, logistics thông minh, du lịch, kinh tế cửa khẩu…

Vẫn còn những thách thức

Hiện tại, Quảng Ninh cũng đang là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Theo tính toán của tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến độ 3, 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... đã giúp giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ.

Từ nền tảng của chính quyền điện tử, năm 2016, Quảng Ninh đã phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện. Thành quả bước đầu chính là việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh từ tháng 8/2019 - nơi được coi là "bộ não số" của mô hình thành phố thông minh.

Các thông tin, số liệu trong nhiều ngành, lĩnh vực được hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh.
Các thông tin, số liệu trong nhiều ngành, lĩnh vực được hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh.

Hai năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phòng chống dịch, như triển khai mã QR Code, Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng AI...

Tuy nhiên, theo ông Thành, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bản tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng CNTT, viễn thông có mặt còn bất cập, có sự thiếu đồng bộ. Các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung.

Doanh nghiệp CNTT và truyền thông mỏng, chỉ chiếm 4,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp CNTT - truyền thông (ICT). Kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực về CNTT thiếu hụt trầm trọng, hiện chỉ chiếm 2,8% tổng số lao động đang hoạt động trên địa bàn. Bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh mới đạt 429,47 điểm/800 điểm...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư