Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Quảng Ninh đón vốn FDI khủng
Thu Lê - 31/07/2022 08:08
 
Hai nhà đầu tư vừa cam kết đầu tư vào Quảng Ninh hơn 1,7 tỷ USD. Thu hút đầu tư vào Quảng Ninh thời gian tới được đánh giá khá khả quan.
KCN Bắc Tiền Phong. Ảnh: baoquangninh

Đón dòng vốn đầu tư lớn

Mới đây, ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh Hội tụ và lan tỏa”, hai nhà đầu tư lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư hơn 1,7 tỷ USD vào Quảng Ninh. Trong đó, Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên cam kết đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Bắc Tiền Phong của DEEP C để triển khai dự án sản xuất hạt nhựa polypropylene (PP) với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Nhà đầu tư thứ hai là Công ty Vietnam Investment Q Limited (thuộc Công ty TNHH Indochina Kajima Development, liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản). Nhà đầu tư này đã ký kết thỏa thuận giữ đất (7,6 ha tại Lô đất CN5, KCN Bắc Tiền Phong) với DEEP C, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn, với vốn đầu tư dự kiến 23,9 triệu USD.

Ba dự án khác cũng đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại Hội nghị, với tổng vốn hơn 68,7 triệu USD. Trong đó, giấy chứng nhận đầu tiên được trao cho Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong, với Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong CN2.1C. Dự án có tổng mức đầu tư 20,5 triệu USD, để xây dựng phát triển hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao và hiện đại tại KCN Bắc Tiền Phong.

Tiếp theo là Dự án Kho Jinko Solar Việt Nam (Jinko 3) của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai, tổng mức đầu tư 35,56 triệu USD.

Cuối cùng là Dự án đầu tư Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên để phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai. Dự án do Công ty Jinko Solar Việt Nam thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 12,65 triệu USD.

Có thể thấy, địa phương có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, khi Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 của Quảng Ninh có sự tham dự của đại diện đến từ 21 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như NEC, Quanta Computer, BAE Systems… đã có mặt tại Quảng Ninh để tìm hiểu về môi trường đầu tư.

Thu hút vốn ngoại: Không thể nóng vội

Tính lũy kế đến cuối tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 150 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,26 tỷ USD. Còn riêng 6 tháng đầu năm 2022, địa phương này cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án FDI với tổng vốn là 149,6 triệu USD - đạt chưa tới 10% kế hoạch năm.

Cần phải nhìn nhận thực tế rằng, công tác xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh thực sự được thực hiện bài bản từ năm 2012, đánh dấu bằng cuộc xúc tiến đầu tư quy mô lớn đầu tiền của tỉnh, với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp FDI.

Hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh cũng có những bước tiến đột phá từ sau năm 2012 và trở thành hai lợi thế đặc biệt cho Quảng Ninh trong thu hút đầu tư, như ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc CTCP Đô thị Amata Hạ Long - chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Khoai cho biết, đây cũng chính là 2 yếu tố khiến nhà đầu tư Jinko Solar đầu tư liên tiếp 3 dự án tại Quảng Ninh.

Mặt khác, ông Csaba Bundik, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu nhìn nhận: “Quảng Ninh được nhiều nhà đầu tư châu Âu biết đến nhờ những lợi ích liên quan đến logistics, vị trí. Đó không phải tự nhiên có được, mà là kết quả của chiến lược mang tính chất dài hạn, tầm nhìn lâu dài của Quảng Ninh”.

Ở góc độ khác, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho rằng, Quảng Ninh không nên nóng vội trong thu hút đầu tư FDI, bởi thời gian qua, có rất nhiều yếu tố khách quan tác động đến việc thu hút đầu tư vào Quảng Ninh, như đại dịch Covid-19, cuộc chiến tại Ukraine...

“Quảng Ninh nên kiên trì với định hướng thu hút đầu tư của mình. Hiện giờ, địa phương nào cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghệ cao, sạch. Vậy địa phương nào xây dựng được môi trường đầu tư thông thoáng và có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có lợi thế. Để có được lao động chất lượng cao, cần có thời gian chuẩn bị. Hiện là lúc cần thay đổi để có được điều đó”, ông Bruno Jaspaert chia sẻ.

Công ty Stavian Hóa chất hợp tác đầu tư dự án 1,5 tỷ USD ở Quảng Ninh
Nhà máy Hoá dầu Stavian Quảng Yên dự kiến được xây dựng tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, do Stavian Hóa chất và Công ty cổ phần Cảng Hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư