Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Quảng Ninh: Mở lối tương lai
Nguyên Đức - 16/10/2013 06:47
 
Lại xách ba lô lên đường, vì sức hấp dẫn của những sự kiện mà Quảng Ninh sẽ tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh và 20 năm thành lập TP. Hạ Long. Sắp khai thác thuỷ phi cơ tại vịnh Hạ Long
TIN LIÊN QUAN

Đến trước vài ngày để kịp có một khoảng lặng mà ngắm và nhìn về tầm vóc một Quảng Ninh 50 năm tuổi, trước những ngày lễ sôi động kéo dài tới hết tháng 10/2013, trong đó buổi lễ chính thức tổ chức tối ngày 19/10. Và để kịp hôm nay (16/10) chứng kiến Quảng Ninh đã làm được một việc vô cùng trọng đại: đưa điện lưới ra đảo Cô Tô…

Cầu Bãi Cháy, được xây dựng từ nguồn vốn ODA, đã góp phần làm mới Quảng Ninh.

1.

Đêm Hạ Long thật đẹp và cuốn hút, như vốn có của một thành phố biển. Sóng và gió biển mặn mòi.

Bầu trời đêm khoáng đạt. Còn cây cầu Bãi Cháy vẫn nhấp nháy ánh đèn, rực rỡ và đầy kiêu hãnh.

Có cây cầu ấy, người dân Hạ Long bảo, đi lại thuận tiện biết bao nhiêu, khác xa với cái thời vất vả, chen chúc nhau cả tiếng đồng hồ mới qua lại được bằng phà Bãi Cháy.

Bởi thế, hôm cầu Bãi Cháy, cây cầu dây văng bê tông dự ứng lực một mặt phẳng đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, với vốn đầu tư 2.140 tỷ đồng, khánh thành (ngày 2/12/2006), người dân Quảng Ninh vỡ òa trong cảm xúc.

Khi cầu Bãi Cháy - cây cầu cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 18, trục giao thông huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hoàn tất và đưa vào sử dụng, đã mở ra một “chương” mới cho các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Quảng Ninh nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung.

Mà quả đúng thế thật, dù tất nhiên, kinh tế - xã hội Quảng Ninh phát triển được như hôm nay không phải chỉ nhờ một cây cầu Bãi Cháy. Giai đoạn 2005 - 2010, đúng vào thời điểm chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng kinh tế Quảng Ninh tiếp tục phát triển toàn diện, tiềm lực và quy mô tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đó vẫn đạt 12,7%, thuộc nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, và nhờ vậy, nằm trong nhóm 6 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất của cả nước.

Còn dĩ nhiên, 3 năm đầu tiên của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, Quảng Ninh cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn chung của nền kinh tế. Nhưng từng bước nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước..., kinh tế vẫn tăng trưởng đều qua từng năm. 9 tháng đầu năm nay, GDP vẫn ở mức 7,1%...

Dù không đạt kế hoạch, nhưng dân Quảng Ninh vẫn nắm tay bảo nhau rằng, những khó khăn trong hiện tại chỉ là ngắn hạn. Còn người dân cả nước, nói đến Quảng Ninh, đều gật gù rằng, đó là tỉnh giàu và vẫn còn nhiều lắm cơ hội và tiềm năng để phát triển.

Sẽ thật là khập khiễng khi nhìn Quảng Ninh 50 năm trước để so với hiện tại bây giờ. Nhưng mấy ông già, bà lão ngồi hóng gió bên bờ biển chuyện trò với nhau rằng, thời nay thật khác xa ngày xưa nhiều lắm.

Dù những con số nhiều khi là vô hồn, nhưng cứ nhìn phố xá Quảng Ninh ngày nay, đường đất thênh thang, nhiều công trình hiện đại và bề thế. Bên cạnh một cầu Bãi Cháy đầy kiêu hãnh, thì chỉ tính các công trình kỷ niệm và mang dấu ấn 50 năm Quảng Ninh thôi, đã có thể chiêm ngưỡng biết bao nhiêu.

Từ cụm công trình Đường ô tô bao núi Bài Thơ phía biển; đường bao biển Lán Bè - Cột Đồng Hồ - Công viên văn hóa Hạ Long, đến công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, nằm trong khu quần thể các công trình văn hoá Cột 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long. Rồi đưa điện lưới ra Cô Tô - dự án có ý nghĩa quan trọng để thực hiện chiến lược hướng biển của Quảng Ninh. Hay các bến cảng số 2, 3, 4 của Cảng Cái Lân; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn…

Toàn những công trình quy mô lớn, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển mai này, giúp đổi thay một vùng đất và mang lại một Quảng Ninh 50 năm tuổi ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

2.

Nhắc đến Quảng Ninh, nhiều người dân đất Việt nghĩ ngay đến những mỏ vàng đen, những núi than khổng lồ đang chờ được đưa đến mọi miền đất nước, tới các nhà máy điện, xuống thuyền để ra nước ngoài. Mà đúng là cũng có một thời, “nồi cơm” duy nhất của Quảng Ninh là than.

Nhưng trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cười mà rằng, Quảng Ninh đâu chỉ có than, còn có một Vịnh Hạ Long là di sản của thế giới, còn một bờ biển dài và nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, một Vân Đồn đang chờ được đánh thức, một Cô Tô đang từng ngày đổi thay và biết bao nhiêu tiềm năng, cơ hội khác để phát triển…

Cũng bởi thế, hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững hơn, Quảng Ninh đang nỗ lực để chuyển từ “nâu” sang “xanh”, để làm sao tới năm 2015, không còn phụ thuộc vào vàng đen. Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa rồi đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

50 năm qua, Quảng Ninh đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nhưng các lãnh đạo tỉnh đều xác định, tất cả đều chưa xứng với tiềm năng. Người Quảng Ninh còn mong chờ hơn thế, họ muốn đất mình, nhà mình thành đầu tàu kinh tế ở phía Bắc, thành trung tâm du lịch của châu Á trong tương lai.

Lối đi đã mở, khi Chính phủ cho phép Quảng Ninh thuê tư vấn nước ngoài xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch ấy chính là “xương sống” để từ đó người Quảng Ninh tìm giải pháp để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Để tới năm 2020, Quảng Ninh đạt mục tiêu trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước, với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại.

Lúc ấy, GDP bình quân đầu người của Quảng Ninh sẽ là 8.000 - 8.500 USD/năm. Tăng trưởng GDP cũng sẽ duy trì ở mức cao: 12-13%... Lúc ấy, không phải than, mà là du lịch và dịch vụ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu của kinh tế Quảng Ninh…

Tương lai cũng đã định, khi Quảng Ninh còn được phép nghiên cứu và xây dựng hai đặc khu hành chính Móng Cái và Vân Đồn. Mới chỉ là những viên gạch đầu tiên được đặt, nhưng một khi đặc khu Móng Cái và Vân Đồn thành hình, với những cơ chế chính sách đặc biệt để ưu đãi đầu tư và phát triển, Quảng Ninh sẽ có thêm xung lực để biến tầm vóc của mình trở nên cao hơn, mạnh hơn nữa.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh chỉ mới nhìn đến năm 2030, tức là 15 - 17 năm nữa, nhưng ông Nguyễn Văn Đọc lại khẳng định, tầm nhìn mà lãnh đạo tỉnh muốn hướng tới, không chỉ 10 hay 20 năm, mà xa hơn và dài hơi hơn, tới 50 năm về sau. Và những quy hoạch và kế hoạch đã định, nếu nhiệm kỳ này chưa thể hoàn thành, thì sẽ là nhiệm kỳ sau và sau nữa.

Một tư duy đổi mới và một tầm nhìn xa, khác hẳn với tư duy nhiệm kỳ bấy lâu ám ảnh lãnh đạo các địa phương. Ở Quảng Ninh bây giờ, nhiều người cũng đã nhắc tới tư duy đổi mới của lãnh đạo tỉnh. Từ chuyện làm quy hoạch đến chuyện xây đặc khu hành chính, rồi việc cải cách cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, phải “mới” thì mới làm được. Mới từ tư duy tới cách làm.

3.

Thực ra, Quảng Ninh mới đã từ lâu. Nhiều năm trước, tỉnh này đã nổi tiếng cả nước trong việc áp dụng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nhưng bước ngoặt lớn nhất, có lẽ phải kể từ sau khi Quảng Ninh thành công trong việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tháng 2/2012.

Sau Hội nghị, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA) đã được thành lập. Tất cả các nhà đầu tư khi đến Quảng Ninh đều chỉ cần đến “một cửa” duy nhất: IPA, để nhận được sự hỗ trợ tư vấn đầu tư từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, thậm chí cả khi dự án bắt đầu triển khai.

Điều đặc biệt hơn, IPA không trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, mà chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc.

Tiếp chúng tôi, ông Đọc cũng khẳng định, nếu như trước đây, mô hình thủ tục hành chính là thực hiện từ dưới lên trên, thì nay, ở Quảng Ninh, đi theo hướng ngược lại: từ trên xuống. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo mọi vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, thông qua IPA. Và đấy là một sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của Quảng Ninh.

Nhưng Quảng Ninh mới cả trong tuyển dụng và sử dụng cán bộ, thế nên năm ngoái, còn tổ chức thi tuyển để chọn các chức danh Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông.

Để xây dựng và phát triển, Quảng Ninh cũng đã mạnh dạn đề xuất nhiều chính sách để hút đầu tư. Từ việc cho SE (Nhật Bản) nghiên cứu khu vực đầm nhà Mạc để làm khu công nghiệp đồng bộ khai thác quỹ đất, sau khi nhà đầu tư này quyết tâm xây dựng cầu Bạch Đằng, đến việc đề xuất nhà đầu tư Dự án đường Hạ Long - Móng Cái được “trả” bằng than…

“Cơ chế và nguồn nhân lực chính là hai ‘hạt dẻ’ để Quảng Ninh đi lên” - ông Đọc đã có lần ví von như thế.

Và đúng là nhờ có cơ chế tốt, nguồn lực hấp dẫn, Quảng Ninh ngày càng được nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến. Một Amata liên doanh với Tuần Châu để triển khai xây dựng Khu đô thị, công nghiệp công nghệ cao, 2 tỷ USD. Một ISC muốn cùng Tuần Châu xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp, trong đó có hạng mục casino, 7,5 tỷ USD ở Vân Đồn.

Bên cạnh Joinus và Tổng công ty Cảng Hàng không Hàn Quốc vẫn đang theo đuổi Dự án Sân bay Vân Đồn, thì còn hàng loạt nhà đầu tư lớn khác cũng đang muốn triển khai dự án ở Quảng Ninh. Vingroup, Chamvit, Las VegasSand là những ví dụ điển hình. 9 tháng đầu năm, đã có thêm 7 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn 368,215 triệu USD.

Quảng Ninh, chỉ cách đây mấy tháng, đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Texhong, tập đoàn năm ngoái đã đầu tư dự án sơ sợi 300 triệu USD. Và ngày 19/10 tới đây, sẽ thêm một thỏa thuận như thế được ký kết, với Amata - Tuần Châu.

Cũng là ngày 19/10, một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng nhất với Quảng Ninh - Dự án đường nối TP. Hạ Long - cầu Bạch Đằng và Dự án cầu Bạch Đằng: đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến sẽ chính thức được khởi công xây dựng.

Cứ như thế, nhà đầu tư tìm đến, dự án được triển khai. Và động lực cho Quảng Ninh cất cánh ở đấy, chứ đâu xa!

4 tỷ USD sẽ vào Khu kinh tế Vân Đồn
Sáng nay (12/9), Tập đoàn ISC Corporation (ISC) và Tập đoàn Tuần Châu đã cùng ký Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc đầu tư vào Khu Kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư