Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quảng Ninh nhìn từ PCI 2019: Áp lực cải cách ngày càng lớn
Thu Lê - 08/06/2020 09:28
 
Dù tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, nhưng Quảng Ninh lại chưa có chỉ số thành phần nào đứng thứ nhất.

Điều này cho thấy, dư địa cải thiện điểm số của Quảng Ninh còn nhiều, nhưng áp lực cải cách đối với vị trí dẫn đầu này ngày càng lớn.

Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp giữ vững ngôi vị quán quân PCI.
Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp giữ vững ngôi vị quán quân PCI.

Cuộc đua liên tục

Trong 3 năm liên tiếp (từ 2017 - 2019), Quảng Ninh đã duy trì vị trí đầu bảng và 7 năm liên tiếp (từ 2013 - 2019) nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Tuy nhiên, PCI là một cuộc đua liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và bền bỉ của mỗi địa phương.

Nhìn trên bảng tổng sắp năm 2019, chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện tích cực so với những năm trước đó. Các tỉnh ở nhóm cuối đã có những cải thiện đáng kể trong việc nâng cao chất lượng điều hành.

Nếu như năm đầu điều tra (năm 2006), điểm số PCI của tỉnh đứng cuối chỉ xung quanh mức 36 điểm, thì năm 2019, điểm số tỉnh đứng cuối đã tiến sát tới mức 60 điểm. Hay nói cách khác là sự thu hẹp khoảng cách giữa tỉnh đứng cuối và tỉnh đứng đầu trong PCI hàng năm ngày càng thu hẹp (từ 41,5 điểm của năm đầu tiên tiến hành điều tra PCI, xuống còn 13,44 điểm của năm 2019).

Trong khi đó, các tỉnh đứng top cuối có nhiều không gian cũng như cơ hội để thay đổi điểm số trung vị trên bảng xếp hạng, đặc biệt là có lợi thế của địa phương đi sau nên có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm hay của những địa phương có sự thay đổi nhanh trên bảng xếp hạng như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Hải Phòng… Còn với Quảng Ninh, với việc 7 năm liên tiếp (từ 2013-2019) nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất và 3 năm liền (từ 2017-2019) giữ ngôi vị quán quân trên bảng xếp hạng, thì dư địa cải cách điểm số còn lại chủ yếu nằm trong nhóm những chỉ số khó và đụng trần thể chế.

Năm 2019, Quảng Ninh đã tự vượt qua chính mình, xác lập kỷ lục mới về tổng điểm trên bảng xếp hạng, đạt 73,4 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm 2018. “Tuy nhiên, khi cùng với các chuyên gia phân tích sâu về từng chỉ số thành phần, từng chỉ số con, chúng tôi nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong chờ nhiều hơn nữa ở chính quyền. Đó chính là áp lực và cũng là động lực cải cách của Quảng Ninh trong những năm tới”, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ.

Không né tránh

Quá trình nâng cao chất lượng điều hành nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh trong năm 2019 đã ghi nhận nhiều điểm nổi bật. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm sáng nhất của Quảng Ninh.

Năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính cấp tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt 84,6% (trong đó mức độ 3 là 71% và mức độ 4 là 13,6%). Việc thanh toán phí, lệ phí tại Trung tâm hành chính công trở nên thuận lợi hơn, khi doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn một trong các hình thức: thanh toán trực tuyến (Internet banking), thanh toán thẻ (máy POS), thanh toán qua mã QR hoặc thanh toán bằng tiền mặt.

Đây cũng là năm, Quảng Ninh đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh, với việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các ngành, các cấp, áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, số hóa dữ liệu điều hành, gửi và nhận văn bản liên thông giữa các ngành, các cấp.

Cùng với đó là việc tiếp tục triển khai điều tra và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện thị (DDCI) thường niên đã thúc đẩy sự cải thiện chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền các cấp, góp phần quan trọng trong việc tăng tổng điểm PCI 2019 của Quảng Ninh. Song, tại Hội nghị phân tích chuyên sâu PCI 2019 được Quảng Ninh tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, có thể thấy rõ những thành tích đã ít được nhắc đến hơn, mà thay vào đó là đi thẳng vào những điều chưa đạt được và chỉ ra nguyên nhân, giải pháp trong ý kiến của các đại biểu.

So sánh với mục tiêu, kỳ vọng đặt ra tại Văn bản số 3254/UBND-TM5 của UBND tỉnh ban hành ngày 15/5/2019, có 7 chỉ số đạt mục tiêu và 3 chỉ số không đạt mục tiêu. Trong tổng số 128 chỉ số con so với năm 2018, chỉ có 30/128 chỉ số con đạt mục tiêu (chiếm 23,44%) và 98/128 chỉ số con không đạt mục tiêu (chiếm 76,56%). Do vậy, Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nhận được sự hài lòng hơn nữa từ phía doanh nghiệp cũng như của chính các lãnh đạo địa phương này.

Nhìn vào bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI 2019 và so sánh với năm 2018, thì có 6 chỉ số tăng điểm và tăng hạng, 2 chỉ số tăng điểm nhưng giảm hạng và 2 chỉ số giảm điểm và giảm hạng. Đáng lưu ý, năm nay chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” tiếp tục giảm điểm và giảm 24 bậc, từ vị trí thứ 1 (trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017), rơi xuống vị trí thứ 12/63 năm 2018 và vị trí thứ 36/63 năm 2019.

Những chỉ số cần cải thiện mạnh mẽ

Những điểm hạn chế đã được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI chỉ ra và phân tích rất thẳng thắn từ các chỉ số con. Theo đó, trong năm 2019, số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng 10 ngày so với năm 2018; số doanh nghiệp gặp khó khăn tăng đến 15%; việc cung cấp thông tin về đất đai chưa thuận lợi, nhanh chóng tăng 13%. Vậy nên, Quảng Ninh cần cải thiện mạnh mẽ việc tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh. Đây là một trong 2 yếu tố có tính “mặt tiền” trong việc thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đây cũng là chỉ số khó cải thiện nhất, do quỹ đất ngày càng thu hẹp và các quy định pháp luật cũng rất chặt chẽ. “Đôi lúc, chính quyền và doanh nghiệp sẽ không đứng cùng một phía do doanh nghiệp có những vi phạm trong việc sử dụng đất. Điều chúng tôi sẽ cải thiện là việc thực hiện rà soát, kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, để dành quỹ đất sạch cho những nhà đầu tư có tiềm lực. Bên cạnh đó là liên tục cập nhật, công khai các quy hoạch để cộng đồng doanh nghiệp nắm vững”, ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh tại Quảng Ninh cũng cần thuận lợi hơn, bởi hiện điểm số “Gia nhập thị trường” của Quảng Ninh mới chỉ đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố và có xu hướng chững lại. Về thủ tục hậu đăng ký kinh doanh, theo ông Đậu Anh Tuấn, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải mất hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục và chính thức đi vào hoạt động đã tăng từ 13% năm 2018, lên 20% năm 2019.

Doanh nghiệp vẫn đòi hỏi chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải nỗ lực cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhiều hơn nữa dù vẫn nằm trong Top 10. Đến 50% số doanh nghiệp lớn cũng phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật.

Trong năm 2019, số giờ cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế đã tăng từ 8 giờ (năm 2018) lên 22 giờ; số ngày doanh nghiệp chờ đợi để nhận được thông tin và văn bản sau khi đã đề nghị cơ quan địa phương cung cấp tăng từ 4 lên 5 ngày. Gánh nặng chi phí không chính thức nhìn chung giảm, nhưng vẫn chưa có cải thiện rõ ràng trong hoạt động thanh, kiểm tra và thủ tục hành chính về đất đai…

Có thể thấy, còn rất nhiều việc để chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cải thiện, trong đó, đòi hỏi về cải cách vẫn là yếu tố nổi bật mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi ở Quảng Ninh.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Duy trì lực đẩy từ chính quyền địa phương trong cải cách hành chính

- Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI

Lực đẩy từ chính quyền các địa phương trong cải cách hành chính là rất lớn. Duy trì được lực đẩy đó là rất quan trọng, bởi hơn ai hết, chính quyền địa phương là người gần với thực tiễn nhất. Họ hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, của người dân nên họ sẽ thiết kế được những chính sách, những mô hình phù hợp nhất và nó được chứng minh trên thực tiễn.

Cụ thể như mô hình Trung tâm hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh, DDCI, hay cả việc triển khai hợp tác công - tư, thực hiện nhất thể hóa các chức danh… là những cách làm rất mới của Quảng Ninh và đều mang lại những kết quả tích cực, đưa Quảng Ninh trở thành ngôi sao cải cách của cả nước.

Hướng dẫn nhà đầu tư chuẩn bị song song các thủ tục để rút ngắn thời gian

- Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, nhà đầu tư rất mong muốn cải thiện hơn nữa các thủ tục hành chính, cũng như chuẩn bị tốt hơn nữa về hạ tầng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Đối với việc cải cách hành chính, nhà đầu tư luôn mong mỏi chỉ thực hiện trong thời gian ngắn nhất để sớm triển khai dự án. Bởi nếu thực hiện toàn bộ thủ tục theo đúng trình tự thì phải lần lượt là quyết định chủ trương đầu tư, thành lập doanh nghiệp, lập quy hoạch, để thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế cơ sở, phòng chống cháy nổ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… thì mất rất nhiều thời gian. Vậy nên, Ban đang hướng dẫn nhà đầu tư chuẩn bị song song các bước thủ tục để rút ngắn được thời gian ở khâu chuẩn bị.
[Infographic] PCI của 10 địa phương đứng đầu năm 2019 qua 10 năm
Trong 10 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, có 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng, Hà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư