Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển
Nhung Bùi - 26/03/2024 07:27
 
Quảng Ninh dành tới hơn 1 năm để hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến từng thôn, sẵn sàng bàn giao không gian biển cho doanh nghiệp, người dân với thời hạn lên tới 30 năm.

“Quảng Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm nuôi biển của miền Bắc”, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại Họp báo "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh", tổ chức chiều ngày 25/3.

Họp báo "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh.


Là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000 ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…Quảng Ninh xác định tập trung vào mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó tạo ra giá trị gia tăng.

Ông Sơn nhấn mạnh trong hơn 1 năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung toàn lực xây dựng quy hoạch không gian cho ngành nuôi biển, đảm bảo ổn định, bền vững theo Nghị định 11 của Chính phủ, để có thể bàn giao cho doanh nghiệp, người dân với thời hạn tối đa 30 năm. Không gian này được quy hoạch đến từng thôn, tất cả các hộ nuôi biển đều được rà soát. Từ đó, những hộ dự kiến chuyển đổi nghề có thể được giao khu vực biển để chuyển từ khai thác sang nuôi trồng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, năm qua, Quảng Ninh tập trung lực lượng xử lý môi trường biển. Khu vực biển hiện nay đã chuyển sang sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, áp dụng quy chuẩn hoạt động nuôi biển cao hơn.

“Chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu cơ chế và chính sách mạnh hơn, phù hợp với đặc thù của địa phương, dựa trên các quy định chung của Chính phủ, Trung ương, để phát triển kinh tế biển”, Đại diện Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tiết lộ.

Được biết từ ngày 31/3 - 1/4 tới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”, nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2024).

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh.

Ông Sơn cho biết nhân dịp này Quảng Ninh sẽ công bố khu vực biển để thu hút đầu tư nuôi biển và ký cam kết hợp tác phát triển nuôi biển với một số nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng như quốc tế. Nhận diện được những tồn tại, vướng mắc trong thủ tục pháp lý của nhà nước trong việc triển khai nuôi trồng thủy sản trên biển, bàn giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh mong muốn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị; đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.

Đánh giá về những nỗ lực phát triển nghề nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong quy hoạch không gian biển, dám làm, dám rà soát, đánh giá những khu vực phát triển nuôi trồng biển theo hướng tự phát để quy hoạch lại. Theo ông Luân, đó là “một cuộc đấu trí mà nếu cứ theo xu hướng dân túy, sẽ không bao giờ làm được”. Ông cũng cho rằng những địa phương vẫn kêu khó quy hoạch không gian biển nên nhìn sang Quảng Ninh để học tập.

“Nếu quyết tâm sẽ có giải pháp, nếu không muốn làm sẽ đủ lý do”, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ… 

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.

Để cụ thể hóa chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.

Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...

"Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" được tổ chức từ ngày 31/3 - 1/4/2024, tại TP. Hạ Long, với phương châm “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì, dự kiến thu hút khoảng 300 - 350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Astralia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV,...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư