Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Quay cuồng với giá phân bón nhập khẩu
Thế Hoàng - 20/06/2022 11:16
 
Lượng phân bón nhập khẩu 5 tháng đầu năm của cả nước đạt 1,55 triệu tấn, trị giá trên 737,03 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, giá phân bón nhập khẩu đã tăng gần 72%.
Giá phân bón nhập khẩu 5 tháng 2022 đã tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá phân bón nhập khẩu 5 tháng 2022 đã tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2022, cả nước nhập khẩu 307.712 tấn phân bón, tương đương 150,82 triệu USD, giảm mạnh 43,4% về lượng, giảm 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 1,55 triệu tấn, trị giá trên 737 triệu USD, giảm 17,4% về lượng, nhưng tăng 41,9% về trị giá.

Giá phân bón nhập khẩu vẫn trong đà tăng quay cuồng do tác động không mong muốn của đại dịch suốt 2 năm qua và xung đột Nga-Ukraine kéo dài từ cuối tháng 2/2022 tới nay. Giá nhập khẩu phân bón trung bình trong 5 tháng đầu năm nay lên tới 476,8 USD/tấn, tăng 71,8% so với cùng kỳ  2021.

Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 45,3% trong tổng lượng và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 700.457 tấn, tương đương 286,52 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và tăng 27,4% về trị giá so với cùng kỳ. 

Thị trường Nga đứng thứ hai, chiếm 8,9% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng trị giá, với 136.937 tấn, tương đương 86,85 triệu USD, giảm 16% về lượng, tăng 65% về trị giá. Điều đáng nói, giá phân bón nhập khẩu từ Nga đã tăng 97% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 133.589 tấn, tương đương 82,36 triệu USD, giảm mạnh 34,7% về lượng nhưng tăng 38,4% về trị giá so với cùng kỳ. Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 1,09 triệu tấn, tương đương 451,9 triệu USD, giảm 10,3% về lượng nhưng tăng 39,9% về trị giá.

Như vậy, dù mới hết 5 tháng đầu năm, nhưng chi ngoại tệ nhập phân bón đã bằng 50% mức nhập khẩu của cả năm 2021, trong khi về sản lượng chỉ bằng 1/3 cả năm ngoái.

Cả năm 2021 nhập khẩu phân bón của cả nước đạt 4,54 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về trị giá. 

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khoảng 2 năm trở lại đây, giá phân bón trong nước tăng rất cao, đợt tăng “phi mã” thứ ba trong 50 năm gần đây. Giá phân bón phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, là một mặt hàng toàn cầu nên có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thị trường ngoài tầm kiểm soát của nhiều nhà sản xuất lớn.

Năng lượng và các chi phí biến đổi khác tăng, giá khí tự nhiên, giá dầu đã tăng đột ngột cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chi phí này chiếm 70% đến 90% chi phí sản xuất ammoniac.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), nhu cầu mở rộng các khu vực trồng trọt chính trên thế giới cũng là động lực chính khiến giá phân bón tăng.

Các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus đã ảnh hưởng đến lượng cung kali (MOP), do Belarus đóng góp khoảng 20% tổng lượng kali xuất khẩu toàn cầu. Ngoài tranh chấp thương mại, chính sách của một số quốc gia cũng tác động đến giá cả. Ví dụ, Ấn Độ đã thông qua khoản bổ sung 3,8 tỷ USD để tăng trợ cấp phân bón cho nông dân, khiến nhu cầu phân bón ở Ấn Độ tiếp tục tăng, góp phần đẩy giá phân bón lên cao.

Tại thị trường trong nước, trước diễn biến giá các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sản xuất.

Tại nhiều vùng, bà con nông dân đang lấy công làm lãi, thậm chí có thể lỗ khi sản lượng hoa màu đạt năng suất thấp. Giá phân bón tăng cao không chỉ khiến lợi nhuận sụt giảm mà người dân còn gặp khó khăn trong việc tái đầu tư cho cây trồng. Tùy theo loại cây trồng, thời vụ, thổ nhưỡng,… phân bón chiếm tới 30- 50% hoặc hơn chi phí đầu vào trong sản xuất.

Giá phân bón sẽ giảm do khách không muốn trả giá cao, lợi nhuận doanh nghiệp ngành này đã chạm đỉnh?
Giá phân bón liên tục lập đỉnh giai đoạn 2020 và 2021 đã giúp các doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi. Tuy nhiên, giá phân bón quá cao đã và đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư