Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quốc Cường Gia Lai (QCG) giảm tỷ lệ góp vốn tại công ty của “chủ nợ”
Vũ Quyền - 14/09/2022 14:04
 
Quốc Cường Gia Lai giảm tỷ lệ góp vốn tại Công ty Diamond Bay từ 25% xuống còn 11,1%. Đây là công ty do bà Lại Thị Hoàng Yến thành lập, người đang cho QCG mượn 205,55 tỷ đồng.

Góp vốn vào công ty của “chủ nợ”

HĐQT Công ty cổ Phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG - sàn HoSE) vừa ra nghị quyết giảm tỷ lệ góp vốn vào Công ty Diamond Bay. Theo đó, công ty này sẽ giảm số vốn từ 149, 97 tỷ đồng xuống còn 66,5 tỷ đồng, tương ứng giảm từ 25% xuống còn 11,1%. Tuy nhiên, vốn điều lệ của Diamond Bay không thay đổi.

Công ty cổ phần Diamond Bay được thành lập vào 6/2021, ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, trụ sở tại Thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng trong 6/2021, Quốc Cường Gia Lai tham gia góp vốn vào đơn vị này với số tiền 149,97 tỷ đồng.

Người đại diện pháp luật của Diamond Bay là bà Lại Thị Hoàng Yến, con gái ông Lại Thế Hà, hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, nhiệm kỳ 2022-2027.

Ngoài ra, bà Hoàng Yến chính là “chủ nợ” của Quốc Cường Gia Lai. Tính đến 30/6/2021, thời điểm Quốc Cường Gia Lai mới góp vốn cho Diamond Bay, công ty này đang nợ bà Hoàng Yến 78,38 tỷ đồng. Số nợ này tuy có thay đổi tăng giảm, tính đến ngày 30/06/2022 là 205,55 tỷ đồng.

Công ty Quốc Cường Gia Lai nợ bà Lại Thị Hoàng Yến 205,55 tỷ đồng
Công ty Quốc Cường Gia Lai nợ bà Lại Thị Hoàng Yến 205,55 tỷ đồng.

Ngoài số tiền phải trả bà Hoàng Yến tăng, các khoản phải trả, phải nộp khác tăng 38,36%, tương ứng tăng 134,64 tỷ đồng lên 485,63 tỷ đồng. Chi phí phải trả ngắn hạn khác tăng 3 lần, tương ứng tăng 145,91 tỷ đồng lên 193,6 tỷ đồng, nguyên nhân do chi phí xây dựng tăng. Kết quả dẫn tới các khoản ngắn hạn phải trả khác tăng 6,92%, tương ứng tăng 294,27 tỷ đồng lên 4.544,19 tỷ đồng. Số nợ phải trả của công ty tăng 68 tỷ đồng lên 5.577,89 tỷ đồng.

Xét về tình hình kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán hàng tăng 18,41%, tương ứng tăng 101,35 tỷ đồng. Giá vốn hàng hóa tăng 33,68%, tương ứng tăng 145,69 tỷ đồng lên 578,15 tỷ đồng. Việc giá vốn hàng hóa tăng mạnh khiến lợi nhuận bán hàng giảm 37,63%, tương ứng giảm 44,33 tỷ đồng xuống còn 73,46 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng giảm 89,52%, tương ứng giảm 35,17 tỷ đồng xuống còn 4,15 tỷ đồng. Nhờ vậy, công ty mới có lợi nhuận trước thuế đạt 37,63 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ (39,76 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của QCG vẫn tăng do thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Cụ thể, tăng 5,66%, tương ứng tăng 1,58 tỷ đồng lên 29,56 tỷ đồng so với cùng kỳ.

So với kế hoạch doanh thu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng đặt ra năm 2022, trong 6 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai hoàn thành 54% mục tiêu doanh thu, 37,76% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Lãnh đạo bị triệu tập vì liên quan vụ án

Ở một diễn biến khác, ngày 13/9, Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa có quyết định đưa vụ án ông Tất Thành Cang và 9 đồng phạm liên quan sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7 ra xét xử sơ thẩm.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 22/9 đến ngày 26/9 do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân TP.HCM) làm chủ tọa.

Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai và 6 cá nhân, tổ chức khác với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Dựng Dự án Khu dân cư Phước Kiển hiện vẫn chỉ là bãi đất trống
Dự án Khu dân cư Phước Kiển hiện vẫn chỉ là bãi đất trống.

Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận là công ty có vốn Nhà nước. Tháng 11/2000, công ty này được UBND huyện Nhà Bè (TP.HCM) giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 8/2016, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75/25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. Thời điểm này, ông Trần Công Thiện (Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) đã chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32 ha đất tại dự án trên có giá bình quân là hơn 1 triệu đồng/m2.

Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận sau đó họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá (1,25 triệu đồng/m2) để xây dựng đơn giá chuyển nhượng.

Tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, nhận 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỷ đồng, 23 tỷ đồng tiền thuế VAT và 21 tỷ đồng tiền lãi, gây thiệt hại 215,5 tỷ đồng của Nhà nước.

Đối với 32.967 m2 đất thuộc Khu IV - dự án Khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong (quận 7), Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín trong đó xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m2.

Ngày 28/11/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 283 tỷ đồng. Tổng thiệt hại vụ án này là hơn 498,5 tỷ đồng.

Đối với trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai), cơ quan điều tra cho biết sẽ tách hành vi, tiếp tục xem xét xử lý sau.

Quốc Cường Gia Lai (QCG) phát hành gần 61,9 triệu cổ phiếu để giảm nợ
Phần lớn nợ của Quốc Cường Gia Lai nằm ở khoản tiền đã nhận từ Sunny cho Dự án Bắc Phước Kiển với 2.283 tỷ đồng và tiền mượn từ các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư