Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Quốc Cường Gia Lai (QCG) phát hành gần 61,9 triệu cổ phiếu để giảm nợ
Trọng Tín - 31/12/2021 16:55
 
Phần lớn nợ của Quốc Cường Gia Lai nằm ở khoản tiền đã nhận từ Sunny cho Dự án Bắc Phước Kiển với 2.283 tỷ đồng và tiền mượn từ các cá nhân, tổ chức hơn 840 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021.

Theo tờ trình phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chuyển đổi nợ để tăng vốn điều lệ đã được cổ đông thông qua, Quốc Cường Gia Lai dự kiến phát hành gần 61,9 triệu cổ phiếu (chiếm 22,49% tổng số lượng cổ phiếu QCG đang lưu hành), với giá 11.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.

Lượng cổ phiếu nói trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 12 tháng kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. Cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng trước thời hạn này có thể bán lại cho Quốc Cường Gia Lai với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ.

Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 2.751 tỷ đồng lên 3.370 tỷ đồng. Với toàn bộ số vốn gần 681 tỷ đồng huy động được, Quốc Cường Gia Lai sẽ bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và giảm nợ.

a
Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn của Quốc Cường Gia Lai cho Sunny đến cuối quý III/2021 là 2.882 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt gần 9.900 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với hồi đầu năm nay, riêng hàng tồn kho của công ty chiếm tới hơn 7.000 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm hơn 5.600 tỷ đồng, trong đó, phần lớn nợ là các khoản phải trả ngắn hạn khác gần 4.339 tỷ đồng. Riêng khoản tiền nhận từ Sunny cho dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển chiếm 2.283 tỷ đồng.

Dư nợ các khoản vay ngân hàng ngắn hạn, dài hạn đến cuối tháng 9 chỉ hơn 470 tỷ đồng. Trong khi đó, Quốc Cường Gia Lai mượn tiền từ các cá nhân, tổ chức liên quan hơn 840 tỷ đồng.

Trong đó, hai pháp nhân Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phạm Gia là các chủ nợ lớn nhất, lần lượt cho Quốc Cường Gia Lai mượn 423 tỷ đồng và 153 tỷ đồng. Hai công ty này là các doanh nghiệp liên kết của Quốc Cường Gia Lai.

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai mượn 4 cá nhân gồm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan cùng con gái Nguyễn Ngọc Huyền My, Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà và con gái Lại Thị Hoàng Yến tổng cộng 265 tỷ đồng. Trong đó, bà Loan là người đang cho công ty mượn nhiều nhất với số tiền lên tới 117 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2021, doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai sụt giảm mạnh đến 57% so với cùng kỳ 2020 chỉ còn 223 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ mảng bất động sản giảm đến 64% chỉ còn 174 tỷ đồng trong khi lĩnh vực kinh doanh thủy điện vẫn duy trì được doanh số như cùng kỳ.

Doanh thu giảm nhưng biên lợi nhuận gộp lại cải thiện đáng kể. Biên lãi gộp quý vừa qua của Quốc Cường Gia Lai đạt 21,5%, tăng mạnh so với mức 16,9% so với quý III năm trước.

Doanh số sụt giảm mạnh, công ty cũng thắt chặt chi phí vận hành. Chi phí bán hàng trong 3 tháng qua của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn 9 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp lại chịu khoản phí bồi thường, phạt 7 tỷ đồng trong quý vừa rồi. Ngoài ra, công ty còn hạch toán thêm 6 tỷ đồng tiền chi phí khác nhưng không thuyết minh cụ thể.

Kết quả, Quốc Cường Gia Lai báo lãi sau thuế 10 tỷ đồng trong quý III, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

a
 Trong bối cảnh bất động sản gặp khó do thủ tục, Quốc Cường Gia Lai giữ chủ trương duy trì nguồn thu ổn định của các thủy điện, vườn cao su, mảng cho thuê trung tâm thương mại (ảnh: Trọng Tín)

Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, trong năm 2021, dự án Premium Central (quận 8), Lavida Plus (quận 7) đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và đang bàn giao cho khách hàng.

Dự án khu dân cư Đa Phước - QL 50 đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục điều chỉnh phê duyệt 1/500. Dự án cụm B khu dân cư 13E, khu biệt thự đang nộp hồ sơ xin phê duyệt mẫu nhà. Dự án lô B Khu dân cư 6B xây dựng TMDV, văn phòng kết hợp lưu trú đang xin tính tiền sử dụng đất.

Công ty đánh giá tiềm năng ngành bất động sản Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt tại quận huyện đang trở thành xu hướng cho nhà đầu tư và nhiều người dân có nhu cầu an cư. Công ty có quỹ đất tại các quận huyện thuộc TP.HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức... và đang định hướng tập trung triển khai ở những khu vực này và vùng lân cận.

Tuy nhiên, bà Loan cũng phàn nàn về quy hoạch quản lý đô thị còn bất cập, phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống pháp lý bất động sản còn chưa đồng bộ về các Luật, nhất là các vấn đề liên quan đến đất công.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản, kiểm soát cho vay tiêu dùng bất động sản, kiểm soát room tín dụng... tiếp tục làm cho việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn; Ngân hàng thương mại sẽ có nhiều cơ sở để dồn ép các doanh nghiệp bất động sản cả về điều kiện và lãi suất.

Do vậy, Quốc Cường Gia Lai giữ chủ trương duy trì nguồn thu ổn định của các thủy điện, vườn cao su, mảng cho thuê trung tâm thương mại và tiếp tục triển khai kế hoạch tiếp cận đầu tư sang các khu quận 7, Nhà Bè, TP.Thủ Đức và các tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 2021, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt giảm 46% và 22% so với kết quả thực hiện ở năm ngoái. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai đạt 774 tỷ đồng doanh thu và 53 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện hơn 77% và 53% chỉ tiêu.

Sa lầy tại dự án Phước Kiển, doanh thu quý II của Quốc Cường Gia Lai “teo tóp”
CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG - HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư