Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Rối mắt” với giao dịch tài sản ở Quốc Cường Gia Lai
Chí Tín - 30/06/2020 08:40
 
Những giao dịch tài sản rắc rối tại Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG, sàn HoSE) dễ làm “rối mắt” nhà đầu tư.

Bán nốt vốn tại Bất động sản Hiệp Phúc

Hội đồng Quản trị Quốc Cường Gia Lai vừa có chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 34% cổ phần tại Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc, với giá chuyển nhượng tối thiểu bằng giá mua. Bất động sản Hiệp Phúc là chủ đầu tư Dự án Sông Đà Riverside (số 632 - Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) có diện tích 2,8 ha, tổng đầu tư 1.328 tỷ đồng.

.
.

Động thái chuyển nhượng Bất động sản Hiệp Phúc nối dài thêm các giao dịch tài sản của Quốc Cường Gia Lai thời gian gần đây. Chính Bất động sản Hiệp Phúc cũng là đối tượng thoái vốn của Quốc Cưởng Gia Lai cách đây vài tháng, với việc bán 56% vốn tại doanh nghiệp này. Sau đợt thoái vốn tiếp theo này, Quốc Cường Gia Lai sẽ hoàn toàn dứt duyên với Bất động sản Hiệp Phúc.

Trước đó, “đại gia phố núi” cũng đã thoái vốn Công ty cổ phần Bất động sản Sông Mã bằng việc chuyển nhượng 35% trên tổng số 49,9% cổ phần. Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai còn giảm vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bất động sản Quốc Cường Thuận An, từ 144,95 tỷ đồng (tương đương gần 14,5 triệu cổ phần) xuống còn 110,05 tỷ đồng (tương đương hơn 11 triệu cổ phần), ứng với 31% vốn điều lệ. 

Rối rắm đầu tư tài chính

Các giao dịch tài sản đầu tư tài chính của Quốc Cường Gia Lai luôn là những động thái dễ làm “rối mắt” các nhà đầu tư, bởi có những khoản đầu tư của doanh nghiệp này thực hiện sở hữu khá rắc rối.

Bức tranh tài chính của Quốc Cường Gia Lai thêm phần phức tạp do không phân định rõ ràng tài sản riêng của cá nhân và tài sản của Công ty.

Chẳng hạn, một khoản đầu tư tài chính của Quốc Cường Gia Lai nằm ở Công ty cổ phần Giai Việt - cũng là một công ty kinh doanh bất động sản, nhưng được sở hữu vòng vèo qua các kênh khác nhau. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai trực tiếp sở hữu 50% vốn tại Giai Việt, còn lại 24,45% cổ phần được Quốc Cường Gia Lai nắm vòng qua Bất Động sản Sông Mã. Với động thái thoái một phần vốn tại Bất động sản Sông Mã, mức độ chi phối của Quốc Cường Gia Lai tại Giai Việt cũng sẽ bị giảm xuống một phần.

Ngoài ra, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 vừa được Quốc Cường Gia Lai công bố tháng 6/2020, Công ty thực hiện thoái vốn tại Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng ngay đúng ngày cuối cùng năm 2019 (31/12/2019). Động thái này cũng tác động đến số liệu về lợi ích cổ đông và một phần lợi thế thương mại chưa phân bổ được ghi nhận vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nhập nhèm tài sản chung, riêng

Ngoài các “rối rắm” liên quan đến tài sản đầu tư tài chính, bức tranh tài chính của Quốc Cường Gia Lai cũng thêm phần phức tạp do không phân định rõ ràng tài sản riêng của cá nhân và tài sản của Công ty. Tại báo cáo tài chính của Công ty, kiểm toán viên Lê Thị Thu Hiền thuộc Công ty Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu ý kiến ngoại trừ cho biết, quyền sử dụng đất với giá trị theo sổ sách gần 47,6 tỷ đồng không thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn.

Tại thuyết minh V.10, quyền sử dụng đất này đang đứng tên cá nhân bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty), chưa sang tên cho Công ty và đang được thế chấp để đảm bảo cho khoản vay tại Vietcombank Chi nhánh Gia Lai để đầu tư Nhà máy Thủy điện Iagrai.

Hiện Nhà máy Thủy điện Iagrai2 đã phát điện và Quốc Cường Gia Lai đang làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho Nhà máy. Theo văn bản giải trình của Quốc Cường Gia Lai về nội dung này, bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết, Quốc Cường Gia Lai sẽ tiến hành giải chấp quyền sử dụng đất nêu trên để bà Loan hoàn tất các thủ tục sang tên sở hữu cho Công ty, thời gian dự kiến hoàn thành là cuối năm 2020.

Góc khuất dòng tiền tại Quốc Cường Gia Lai
Việc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG, sàn HoSE) liên tục bán tài sản đầu tư tài chính gợi lên câu hỏi về sức ép dòng tiền của đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư