Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quốc gia nào đang dẫn dắt cuộc đua công nghệ AI?
Đông Phong - 11/07/2024 10:14
 
Kết quả một cuộc khảo sát mới cho thấy các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu trong thử nghiệm AI tạo sinh, nhưng họ vẫn đi sau Mỹ về mặt triển khai đầy đủ.
 Mỹ đứng đầu danh sách trong việc tích hợp AI tạo sinh vào quy trình kinh doanh của họ, với 24% công ty được khảo sát đã triển khai đầy đủ công nghệ này. Ảnh: AFP
Mỹ đứng đầu danh sách trong việc tích hợp AI tạo sinh vào quy trình kinh doanh của họ, với 24% công ty được khảo sát đã triển khai đầy đủ công nghệ này. Ảnh: AFP

Trung Quốc áp đảo về thử nghiệm AI ban đầu, Mỹ đi đầu trong tích hợp vào kinh doanh

Cuộc khảo sát do Viện phân tích và phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo SAS và công ty nghiên cứu thị trường Coleman Parkes thực hiện chỉ ra rằng 64% công ty Trung Quốc được khảo sát đang chạy thử nghiệm ban đầu về AI tạo sinh (GenAI) nhưng chưa tích hợp hoàn toàn công nghệ này vào hệ thống kinh doanh của họ.

Trong khi đó, 58% công ty ở Vương quốc Anh và 41% ở Mỹ vẫn đang thử nghiệm AI tạo sinh.

Những người tham gia khảo sát là những người ra quyết định về chiến lược AI tạo sinh hoặc phân tích dữ liệu tại 1.600 tổ chức trên toàn thế giới trong các lĩnh vực chủ chốt, bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ và chăm sóc sức khỏe.

Mỹ đứng đầu danh sách trong việc tích hợp AI tạo sinh vào quy trình kinh doanh của họ, với 24% công ty được khảo sát đã triển khai đầy đủ công nghệ này trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp Trung Quốc và Anh lần lượt chỉ đạt 19% và 11%.

Việc áp dụng AI tạo sinh được đề cập trong cuộc khảo sát bao quát đến cả việc thử nghiệm và thực hiện đầy đủ công nghệ này.

Các đơn vị Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc áp dụng AI tạo sinh, với 83% trong số họ đang chạy thử nghiệm ban đầu hoặc đã triển khai đầy đủ công nghệ này. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với Anh (70%), tiếp theo là Mỹ (65%) và Australia (63%).

Ông Stephen Saw, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Coleman Parkes (Anh) cho rằng: "Mặc dù Trung Quốc có thể dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng AI tạo sinh, nhưng tỷ lệ áp dụng cao hơn không nhất thiết đồng nghĩa với việc triển khai hiệu quả hoặc mang lại lợi nhuận tốt hơn".

Còn ông Udo Sglavo, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển mô hình hóa & AI ứng dụng tại tập đoàn SAS, lưu ý rằng để có thể khai thác tối đa lợi ích của công nghệ này, AI tạo sinh phải được tích hợp hoàn toàn vào các hệ thống và quy trình sản xuất ở cấp độ toàn công ty.

So sánh hệ sinh thái Mỹ, Trung Quốc

Theo ông Udo Sglavo, Mỹ có một số lợi thế trong việc tích hợp AI tạo sinh, bao gồm một hệ sinh thái trưởng thành hơn và một nhóm lớn các chuyên gia và nhà nghiên cứu AI có trình độ cao.

Phó chủ tịch SAS đơn cử, Mỹ có "văn hóa đổi mới sáng tạo", sự dẫn dắt AI mạnh mẽ từ các công ty tư nhân cùng với môi trường pháp lý minh bạch và có thể dự đoán hơn được so với các khu vực khác.

Kết quả khảo sát của SAS và Coleman Parkes chỉ ra rằng Trung Quốc có vị thế tốt để bắt kịp việc áp dụng đầy đủ và trưởng thành trong cuộc đua AI.

Những đơn vị được khảo sát ở Trung Quốc tự tin nhất vào sự chuẩn bị của mình để tuân thủ các quy định về AI, với gần 25% trong số họ đã chuẩn bị đầy đủ, so với tỷ lệ 14% ở Mỹ.

Khoảng 31% trong số những người được khảo sát tại Trung Quốc cho biết họ không có các công cụ phù hợp và 21% cho biết họ thiếu chuyên môn nội bộ để áp dụng công nghệ AI.

Nhiều chuyên gia AI từng nhận định trên đài CNBC rằng Trung Quốc đang trên đà triển khai các quy định về AI tạo sinh và họ đã nghiên cứu chúng ngay cả trước khi Chat GPT của OpenAI trở nên phổ biến, đưa công nghệ này trở thành xu hướng phổ biến vào năm 2022.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đã nỗ lực ngăn chặn khả năng AI tạo sinh có thể tạo ra nội dung vi phạm các chính sách kiểm duyệt và hệ tư tưởng của Bắc Kinh.

Mặc dù điều đó khiến các công ty công nghệ Trung Quốc thận trọng hơn trong việc tung ra các nền tảng giống ChatGPT của riêng họ, nhưng nó cũng thúc đẩy họ tập trung vào doanh nghiệp và thu hẹp phạm vi sử dụng AI tạo sinh.

Điều này đã góp phần đưa Trung Quốc thống trị cuộc đua toàn cầu về bằng sáng chế AI tạo sinh, với hơn 38.000 đơn nộp xin cấp bằng sáng chế từ năm 2014 đến năm 2023 theo báo cáo mà Liên Hợp Quốc công bố tuần trước.

Trong khi đó, dân số đông và nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc dẫn đến họ có nhu cầu cao về các công nghệ AI tạo sinh, theo Phó chủ tịch SAS.

Ông Sglavo cho biết: "Nhu cầu cao đó đã thúc đẩy các công ty nhanh chóng áp dụng và tích hợp các giải pháp AI tạo sinh - bao gồm các ứng dụng trong thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và sản xuất chế tạo - nơi AI được sử dụng để nâng cao hiệu quả và đổi mới".

Chính quyền Trung Quốc cũng đã đưa ra một số sáng kiến​nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng và sử dụng AI trong nước. Vào tháng 5 vừa qua, quốc gia này đã khởi động kế hoạch 3 năm nhằm nâng chuẩn về chip AI và AI tạo sinh, đồng thời xây dựng sức mạnh điện toán AI quốc gia.

Ông Sglavo cho rằng: "Vì chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào AI nên các công ty Trung Quốc đang tuân theo định hướng đó bằng cách nhanh chóng áp dụng nhiều mảng miếng của AI vào hoạt động của họ".

Cửa sáng cho AI tạo sinh

Nhìn chung, cuộc khảo sát của SAS và Coleman Parkes nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng AI tạo sinh đang trở nên quan trọng trên tất cả các khu vực và ngành công nghiệp.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng các tổ chức sử dụng AI tạo sinh đang ghi nhận những cải thiện đáng kể, với khoảng 90% cho biết mức độ hài lòng được cải thiện và khoảng 80% cho biết họ đang tiết kiệm chi phí hoạt động.

Báo cáo khảo sát cho biết, để khai thác những lợi ích đó, khoảng 1/10 doanh nghiệp toàn cầu sẽ dành ngân sách cho AI tạo sinh trong năm tài chính tiếp theo, dẫn đầu là doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức 94%.

Ông Wei Sun, cố vấn cấp cao về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Counterpoint Research (Hong Kong), cho rằng Mỹ đã vượt qua Trung Quốc trong vòng đua đầu tiên về AI, xét riêng về chip AI và tiến bộ cơ bản của mô hình ngôn ngữ lớn.

Tuy nhiên, vòng thứ hai sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ cho các bộ dữ liệu và ứng dụng cụ thể hơn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.

Theo báo cáo năm 2023 của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey (Mỹ), AI tạo sinh có thể tạo ra giá trị tăng thêm tương đương từ 2,6 nghìn tỷ USD đến 4,4 nghìn tỷ USD mỗi năm đối với 63 trường hợp ứng dụng công nghệ này vào kinh doanh.

Trung Quốc sử dụng công nghệ AI để kiểm tra, giám sát vi phạm trong kỳ thi đại học
Trong nỗ lực nâng cao tính minh bạch và công bằng cho kỳ thi đại học (Cao khảo), Trung Quốc đã tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giám...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư