Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 17 tháng 06 năm 2024,
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lao phổi
D.Ngân - 25/05/2024 20:54
 
Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện ca bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2021. Nhờ có AI, hiệu quả phát hiện bệnh lao đã tăng gấp đôi.

Hàng trăm nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về bệnh phổi, lao trên thế giới và ở Việt Nam đã tham dự Hội nghị khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao” nhằm thông tin về phương pháp điều trị lao phổi hiện đại.

Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai AI trong phát hiện ca bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2021. Nhờ có AI, hiệu quả phát hiện bệnh lao đã tăng gấp đôi.

Nói về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lao phổi, TS.Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, nghiên cứu khoa học là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào thành công của công tác chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam. Theo đó, chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm.

Những năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình chống Lao Quốc gia đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học như ung thư phổi, ghép tạng, những nghiên cứu chuyên sâu về hô hấp, và bệnh lao.

Hiện, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thường quy hầu hết các kỹ thuật cao, cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực. Đặc biệt, đề án ghép phổi thành công là một bước đột phá về chuyên môn của Bệnh viện, mở ra cơ hội sống cho người bệnh. Đây là ca ghép phổi được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cung cấp các nghiên cứu mới về chăm sóc người bệnh chết não chuẩn bị cho ghép phổi; gây mê hồi sức trong ghép phổi; công tác chuẩn bị người bệnh trước và chăm sóc sau ghép phổi; ứng dụng tế bào gốc và y học tái tạo trong điều trị bệnh phổi giai đoạn muộn, ứng dụng công nghệ cao trong chấn đoán sớm ung thư phổi...

Về ứng dụng khoa học công nghệ trong chuẩn đoán và điều trị các bệnh lý lao phổi, theo PGS-TS.Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện nay tại Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện bệnh lao.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được gắn vào các máy X-quang, theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, máy sẽ có phần mềm hỗ trợ đọc phim X-quang.

AI sẽ hỗ trợ bác sĩ tìm ra những bệnh nhân nghi mắc lao dựa trên các tổn thương, từ đó bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn lao chính xác hơn.

Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai AI trong phát hiện ca bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2021. Nhờ có AI, hiệu quả phát hiện bệnh lao đã tăng gấp đôi.

Theo thống kê, tỷ lệ phát hiện bệnh lao giữa những cơ sở y tế có triển khai AI với các cơ sở y tế không triển khai AI tăng gấp đôi. Kể cả so sánh thời điểm trước và sau triển khai AI ở một cơ sở y tế, số ca phát hiện bệnh lao cũng tăng lên rõ rệt.

Ở các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu vùng xa, nơi còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa lao, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ phát huy hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng.

Hiện nay, nhu cầu có hệ thống trí tuệ nhân tạo trong phát hiện bệnh lao rất lớn, tuy nhiên nguồn kinh phí cho lắp đặt hệ thống này còn hạn chế.

Nếu Việt Nam triển khai trên diện rộng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phát hiện sớm bệnh lao sẽ góp phần nâng chấm dứt bệnh lao và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu trong năm 2022, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong. Con số này đã giảm so với ước tính trước đó của chương trình chống lao quốc gia là 1,4 triệu trong năm 2020 và 2021, và gần như quay trở lại mức số ca tử vong của năm 2019.

Uớc tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao vào năm 2022, con số này đã tăng so với ước tính trước đó của Chương trình chống lao quốc gia là 10,3 triệu vào năm 2021 và 10,0 triệu vào năm 2020.

Công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia, đặc biệt là phải biến các cam kết được đưa ra tại cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao năm 2023 thành hành động cụ thể.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO Global TB Report 2023).

Năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do Lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.

So với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400 đến 500 ca Lao trên 100.000 dân.

Mặc dù tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề như vậy, số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể). Như vậy, có gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo.

Nhiều người trẻ mắc lao phổi, nếu không điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm
Theo các bác sĩ tình trạng người trẻ mắc lao phổi đang có dấu hiệu tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư