Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 9/8: Cảnh báo lao phổi ở người trẻ
D.Ngân - 09/08/2023 08:22
 
Khoa Lao - Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương đang điều trị cho 6 bệnh nhân lao phổi trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Trẻ hoá lao phổi

Nếu như trước đây, bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi, thì hiện nay đối tượng này ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ở đối tượng học sinh, sinh viên. Khoa Lao - Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương đang điều trị cho 6 bệnh nhân lao phổi trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Ảnh minh hoạ.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương, nguyên nhân gây ra bệnh lao là vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp.

Những người bình thường khi hít phải vi khuẩn lao từ người bệnh sẽ có tình trạng nhiễm lao, tuy nhiên không phải ai nhiễm lao cũng phát triển thành bệnh lao. Vi khuẩn lao khi ở trong cơ thể sẽ không sinh trưởng được vì hệ miễn dịch đã bảo vệ cơ thể. Thực tế có những người nhiễm lao suốt đời nhưng không thành bệnh lao.

Tất cả mọi độ tuổi đều có nguy cơ mắc lao. Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi) chiếm gần 40%, với những người từ 21-30 và 31-40 tuổi chiếm khoảng 16% ở mỗi độ tuổi.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân lao có cả những bệnh nhi vài tháng tuổi đến những người cao tuổi nhất từ 90 – 95 tuổi.

Có 2 yếu tố nguy cơ khiến nhiễm lao thành bệnh lao đó là số lượng vi khuẩn và sức đề kháng của mỗi người. Khi số lượng vi khuẩn nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể người không thể chống đỡ được thì sẽ từ nhiễm thành bệnh.

Do đó những người có nguy cơ cao mắc lao do hệ miễn dịch kém bao gồm: người suy dinh dưỡng, người hút thuốc nhiều, mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, trẻ em.... Nếu trong gia đình có nguồn lây lao phổi dương tính thì đây cũng là một trong những yếu tố chuyển hóa lao cho trẻ em.

Tùy thuộc vào sức khỏe và để kháng của từng người mà bệnh lao ở phổi có thời gian ủ bệnh dài ngắn khác nhau. Trong giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân lao không có hoặc có ít biểu hiện các triệu chứng bệnh, do đó rất khó phát hiện được bệnh nhân mắc bệnh trong giai đoạn này.

Với những trường hợp đã biểu hiện bệnh, có triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là ho kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều, gầy sút cân, đổ mồ hôi, về lâu dài có thêm các triệu chứng đau ngực, ho ra máu... Tuy nhiên, bệnh lao sẽ bao gồm nhiều triệu chứng kết hợp với nhau chứ không có triệu chứng nào đặc hiệu.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn.

Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch Covid-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua.

Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ. Mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng, lùi lại tới năm 2035 thay vì năm 2030 như trước.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021.

Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.

70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hàng ngàn người mỗi năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Sơ cứu đúng cách, trẻ đuối nước thoát cửa tử

Vừa qua, Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một cháu bé (nam, 10 tuổi) ở Phú Xuyên, Hà Nội được chuyển từ Bệnh viện Nông Nghiệp đến trong tình trạng đặt nội khí quản, phải thở máy, suy hô hấp, đuối nước, phù phổi cấp.

Chị của bệnh nhân (11 tuổi) kể lại, ngày 2/8 mấy anh chị em đang chơi thì em (10 tuổi) bị trượt chân ngã xuống ao. Hai chị em (biết bơi) vội lặn xuống ao tìm và kéo được em lên. Từ lúc em bị đuối nước đến lúc vớt được em lên chừng 2 phút.

Lúc bế được em lên trong tình trạng bất tỉnh, người tím tái, mềm nhũn nên cháu (chị của bệnh nhân) đã áp tai vào ngực nghe tim của em thì còn đập nhưng yếu, sờ lên mũi thì thấy hơi thở rất yếu.

Với kiến thức sơ cứu cho người bị đuối nước được nhà trường trang bị và xem qua truyền hình, cháu đã hô hấp nhân tạo và ấn tim cho em thì thấy ra được một chút nước.

"Sau khi ấn tim được 2 lần thì em nói lên: cứu (nhưng rất bé) nên cháu tiếp tục ấn thì em mở to mắt ra nhìn cháu. Trong lúc cháu ấn tim và hô hấp nhân tạo cho em thì cháu có bảo mọi người đi gọi giúp đỡ", chị gái bệnh nhi kể lại.

Lúc nhập Bệnh viện Nông Nghiệp, bệnh nhân có tỉnh táo, hơi tím một chút, được thở oxy, được dùng lợi tiểu do bệnh nhân có phù phổi cấp. Sau khoảng 3, 4 tiếng bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, tình trạng oxy máu giảm còn khoảng 80-85%. Bệnh nhân đã được đặt ống nội khí quản và được chuyển đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai vào giờ thứ 6 (tính từ lúc bị đuối nước).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản, SPO2 vẫn duy trì được 94%, trào bọt hồng qua nội khí quản, phổi thông khí kém.

Ngay khi vào Trung tâm, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, chụp X-quang tại giường, tình trạng viêm phổi rõ, phù phổi, được cho an thần, thở máy.

Sau khoảng một ngày thì tình trạng bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn. Chỉ số máy thở thấp, oxy trong máu tốt và đã tiến hành cai máy thở. Cho đến thời điểm này, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tự thở.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rất may quá trình xử lý cấp cứu ngay ban đầu của chị bệnh nhân rất hợp lý bằng những kiến thức kỹ năng được học ở trường và trên truyền hình khi cứu người bị đuối nước.

Khi bệnh nhân được cứu lên có tình trạng tím tái, nghe tim vẫn còn nhưng yếu, không tự thở, người chị đã ngay lập tức hô hấp nhân tạo, ép tim và đã gọi người lớn đến hỗ trợ.

"Và sau 2 đến 3 lần thực hiện ép tim, hô hấp nhân tạo thì bệnh nhân đã tỉnh hơn rồi mới đưa bệnh nhân đến trạm xá. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu đúng cách thì sau khoảng 5 phút là bệnh nhân có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến các di chứng nặng nề hoặc tử vong", bác sĩ Hiếu nói.

Theo hướng dẫn của chuyên gia, khi cứu được bệnh nhân đuối nước phải đánh giá về đường thở, tim, phổi của bệnh nhân. Áp vào mũi, miệng, ngực của bệnh nhân xem còn thở không, nghe xem tim có hay không.

Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, có tím tái, thì tiến hành ép tim, và thổi ngạt ngay. Với đánh giá ngoài môi trường thì chúng ta có thể ép tim, thổi ngạt theo tỷ lệ 30/2 (ép tim 30 lần, thổi ngạt 2 lần).

Sau khoảng độ 4 đến 5 lần chúng ta đánh giá lại xem bệnh nhân có thở được, có tim lại hay không. Nếu không có chúng ta tiếp tục ép tim, thổi ngạt đến khi có người hỗ trợ đến.

Khi cấp cứu bệnh nhân, đặt tư thế bệnh nhân trên nền cứng, nằm nghiêng an toàn để tránh trào ngược vào đường thở, phải ngửa cổ bệnh nhân làm sao để thông thoáng đường thở.

Bảo đảm cấp cứu bệnh nhân tại chỗ trước, sau khi ổn định mới chuyển bệnh nhân đi. Nếu bệnh nhân đang ngừng thở ngừng tim, mà chuyển bệnh nhân đi luôn thì chắc chắn bệnh nhân sẽ để lại di chứng rất nhiều hoặc tử vong.

Lưu ý: Không được dốc ngược bệnh nhân lên và chạy, vì bản thân khi dốc ngược lên sẽ rất dễ trào ngược vào đường thở, nếu suy hô hấp thì tình trạng bệnh nhân có thể diễn biến nặng hơn.

Dùng thuốc giảm cân, bé 13 tuổi phải nhập viện

Do tăng cân quá mức, một cháu bé 13 tuổi ở Lạng Sơn đã sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân. Sau 1 tháng, cháu phải nhập viện với chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tổn thương gan cấp.  

Bác sĩ La Tiến Cương, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho biết, bệnh nhi 13 tuổi vào viện với biểu hiện sạm da, kèm theo đau tức ngực, khó thở. Theo người nhà cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây gia đình có cho trẻ sử dụng một loại thuốc hỗ trợ giảm cân.

Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, cháu bé được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào gan cấp nghi do sử dụng thuốc.

Chỉ số xét nghiệm men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường. Bệnh nhi nhanh chóng được sử dụng các thuốc để kiểm soát huyết áp và theo dõi sát tình trạng sức khoẻ. Sau nhiều ngày điều trị, sức khoẻ cháu bé đã ổn định và được ra viện.

Theo tìm hiểu, loại thuốc giảm cân mà cháu bé sử dụng có thành phần Garcinia Cambogia (GC). Đây là một loại trái cây nhiệt đới, họ măng cụt, có hình dạng giống quả bí ngô nhỏ, thường có màu xanh lá, được dùng khá thông dụng trong các thực phẩm hỗ trợ giảm cân.

Vỏ loại trái cây còn có chứa Hydro citric acid (HCA) giúp ngăn cản quá trình tạo ra chất béo, đồng thời còn làm tăng serotonin trong não giúp cơ thể ít cảm thấy đói hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu đến từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), khi sử dụng Garcinia Cambogia, có thể bị chóng mặt, khô miệng đau đầu, khó chịu ở bụng hoặc tiêu chảy; một số người sau khi dùng gặp các vấn đề nghiêm trọng về gan.

Việc sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân trong thời gian dài dẫn đến các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, gây trạng thái hưng cảm như tăng nhịp tim, tăng huyết áp… Mức độ nặng hơn có thể dẫn đến tổn thương tế bào gan, suy gan cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.

Thời gian qua có rất nhiều người đã sử dụng thuốc hoặc thực phẩm hỗ trợ giảm cân mua trên mạng và nhiều người phái nhập viện vì trong đó có chứa chất cấm, gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng.

Vì vậy, bác sĩ Cương khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ giảm cân không rõ nguồn gốc hoặc lạm dụng chúng bừa bãi để bảo đảm an toàn về sức khỏe, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin mới về y tế ngày 28/5: Gia tăng trẻ mắc tật khúc xạ; Cảnh báo người trẻ mắc bệnh lao phổi
Theo bác sĩ nhãn khoa, từ khi dịch Covid-19 lắng xuống, số trẻ đến khám do mắc các tật khúc xạ có xu hướng tăng lên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư