Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 28/5: Gia tăng trẻ mắc tật khúc xạ; Cảnh báo người trẻ mắc bệnh lao phổi
D.Ngân - 28/05/2023 09:19
 
Theo bác sĩ nhãn khoa, từ khi dịch Covid-19 lắng xuống, số trẻ đến khám do mắc các tật khúc xạ có xu hướng tăng lên.

Tăng cao số trẻ mắc tật khúc xạ

Chia sẻ bên lề hội thảo khoa học: Phẫu thuật tật khúc xạ - Cập nhật các kỹ thuật mới trên thế do Bệnh viện Mắt quốc tế DND tổ chức, ThS.BS Đặng Thị Như Quỳnh, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, từ khi dịch Covid-19 lắng xuống, số trẻ đến khám do mắc các tật khúc xạ có xu hướng tăng lên.

Theo đó, trước đây, vào dịp nghỉ hè, trước nghỉ Tết, ngày cuối tuần cha mẹ thường đưa con đi khám. Tuy nhiên, hiện nay trong ngày thường số trẻ đến khám đã rất đông.

Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt quốc tế DND.

Bên cạnh đó, qua công tác khám tại một số trường học trong nội thành, các bác sĩ cũng nhận thấy sự gia tăng số trẻ mắc tật khúc xạ. Có lớp tỷ lệ đeo kính lên đến 65% học sinh, qua thăm khám chúng tôi phát hiện thêm gần 10% trẻ mắc tật khúc xạ. Tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ rất lớn sau một thời kỳ trẻ học online, không được giải trí ngoài trời.

Theo bác sĩ có nhiều nguyên nhân gây nên tật khúc xạ ở trẻ như nhìn gần tập trung trong thời gian dài như khi xem điện thoại, tivi...; thường xuyên học tập trong môi trường ánh sáng không đủ, tư thế ngồi không đúng hay cúi sát mặt vào bàn học… Ngoài ra, có một tỷ lệ rất nhỏ do di truyền từ bố, mẹ; cấu trúc bất thường của giác mạc và thủy tinh thể. 

Để trẻ không diễn tiến nặng theo các bác sĩ phụ huynh cần kết hợp với nhà trường theo dõi tốt sự tiến triển của mắt ở trẻ. Các bác sĩ luôn khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ đi khám định kỳ, tuy nhiên nhiều bố mẹ vì bận nên quên mất lịch khám. 

Hậu quả là trẻ đeo kính thiếu số, mắt điều tiết tăng lên, trẻ càng cúi gằm mặt, từ đó làm gia tăng nguy cơ tăng số nhanh. Thường sau nửa năm đến một năm độ cận của trẻ tăng 0,5-1 đi-ốp. Việc trẻ đeo kính đúng số sẽ hạn chế việc tăng độ cận. 

Theo bác sĩ Quỳnh, hiện y học có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm làm giảm sự gia tăng độ cận như một số thuốc ức chế điều tiết mắt hay đeo kính áp tròng ban đêm… 

Chỉ định phẫu thuật chỉ được đặt ra khi trẻ lớn hơn, đã trưởng thành. Lý do, ở tuổi học đường, trẻ vẫn phát triển về tổ chức nhãn cầu, tật khúc xạ vẫn tiến triển, nếu phẫu thuật thì nguy cơ tái cận rất cao. 

Vì thế, thường mốc được đặt ra chỉ định mổ mắt là 18 tuổi, tuy nhiên nếu lúc này tật khúc xạ vẫn chưa ổn định thì cũng chưa mổ được. Ngoài ra, bác sĩ còn phải căn cứ trên tình trạng của giác mạc, nhãn cầu, đáy mắt… xem có gì bất thường không để đưa ra chỉ định phẫu thuật (phẫu thuật laser hoặc phẫu thuật không laser). 

Theo chia sẻ tại Hội thảo, hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc các tật khúc xạ ngày càng gia tăng nhanh chóng. Do đó, nhiều bệnh nhân đã lựa chọn phẫu thuật khúc xạ là giải pháp để có được thị lực sắc nét mà không cần phụ thuộc vào kính. 

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các phương pháp: ReLEx SMILE, Femto Lasik, SmartsurfACE… đã và đang được áp dụng phổ biến trong điều trị tật khúc xạ. 

Tuy nhiên, vấn đề được các bệnh nhân quan tâm hàng đầu là làm thế nào để có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất bởi trên thực tế, việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Cảnh báo nhiều người trẻ mắc bệnh lao phổi

Mới đây, các bác sĩ Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh trẻ tuổi mắc lao phổi.

Theo TS. Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức - Bệnh viện 108, có thể do môi trường làm việc không đảm bảo (tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, nhiệt độ ẩm thấp) là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh. 

Lối sống, ăn uống, vận động không khoa học (ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống rượu bia…) làm sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh. 

Cứ một người bị bệnh lao phổi có ho khạc vi khuẩn ra môi trường có thể lây cho 5-10 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, nhà máy, trại tập trung.

Không chỉ người trẻ mà trẻ em cũng mắc bệnh "lao phổi". Theo ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị. Lao phổi là căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra cực kỳ nguy hiểm.

Vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti hoặc trong các hạt bụi nhỏ dễ dàng bị trẻ hít vào phổi, xuống tận phế nang và gây bệnh tại phổi. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại các cơ quan đó. Trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch bảo vệ nên rất dễ mắc bệnh.

Phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị suy giảm miễn dịch và đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao dễ mắc lao phổi hơn người khác.

Theo bác sĩ Sáng, lao phổi là căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát. Trong gia đình có người mắc lao phổi rất dễ lây nhiễm cho người khác. 

Tuy nhiên, bệnh lao phổi ở trẻ em cũng như người trẻ tuổi khó phát hiện và dễ nhầm lẫn sang bệnh khác. Chỉ tới khi có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sụt cân kéo dài…, gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao và đưa đi khám. Về yếu tố lâm sàng, do lượng vi khuẩn lao trong nước bọt, đờm của trẻ thường thấp nên việc chẩn đoán lao cũng phức tạp hơn.

Việt Nam nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Lao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. 

Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh lao và giảm gánh nặng do tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, biện pháp dự phòng quan trọng nhất là cắt đứt nguồn lây, nghĩa là phải phát hiện sớm và chữa khỏi cho người mắc bệnh lao.

Tuy nhiên, lao là bệnh có tính xã hội, những biện pháp dự phòng mang tính cộng đồng cũng rất quan trọng. Đặc biệt, trẻ sơ sinh phải được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh lao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư