Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 07 năm 2025,
Kê đơn điện tử: Lời giải cho bài toán lạm dụng kháng sinh và thuốc đặc trị
Mộc An - 12/07/2025 10:26
 
Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động. Trước nguy cơ mất dần vũ khí điều trị, Bộ Y tế ban hành thông tư với các quy định siết kê đơn, kiểm soát kháng sinh và thuốc đặc trị.

"Lá chắn" mới trong quản lý kê đơn và phòng, chống kháng thuốc

Thông tư 26/2025/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành đang tạo bước ngoặt trong kiểm soát kê đơn thuốc ngoại trú, đặc biệt với kháng sinh và thuốc gây nghiện. Những điều chỉnh tưởng chừng nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, mở ra kỳ vọng về một hệ thống y tế minh bạch, hiệu quả, lấy người bệnh làm trung tâm.

Một điểm thay đổi quan trọng là yêu cầu bác sĩ ghi rõ liều dùng mỗi lần, số lần trong ngày và số ngày sử dụng. Nếu trước đây chỉ cần ghi “ngày uống 4 viên chia 2 lần”, thì nay bắt buộc ghi rõ “mỗi lần uống 2 viên”, tránh hiểu sai dẫn đến lệch liều.

Theo ông Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, quy định này không chỉ siết kỹ thuật kê đơn mà còn giúp người bệnh dùng thuốc đúng cách, hạn chế quên hoặc sai liều - vấn đề phổ biến ở tuyến cơ sở, đặc biệt với người cao tuổi.

Thông tư cũng yêu cầu bổ sung thông tin định danh cá nhân (CCCD, hộ chiếu) vào đơn thuốc, giúp giảm khai báo lặp lại và hỗ trợ xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử đồng bộ, hướng tới quản lý y tế trọn đời.

Thông tư tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc “chỉ kê đơn khi thực sự cần thiết”, một nội dung đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023. Người hành nghề chỉ được kê đơn khi có cơ sở chuyên môn rõ ràng, phù hợp với chẩn đoán, tuyệt đối không lạm dụng thuốc.

Đây là động thái mạnh mẽ trong bối cảnh kháng sinh vẫn đang bị lạm dụng phổ biến. Đặc biệt, từ 1/10/2025, tất cả bệnh viện phải thực hiện kê đơn điện tử; đến 1/1/2026, áp dụng cho toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh.

Khi hệ thống kê đơn điện tử kết nối với nhà thuốc, toàn bộ quy trình kê, bán, sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kiểm soát như kháng sinh, thuốc hướng thần, gây nghiện, sẽ được giám sát chặt chẽ. Chỉ cần một sai lệch, hệ thống có thể truy xuất và xử lý ngay.

Thông tư 26 cũng đánh dấu bước chuyển mạnh sang y tế số: sổ khám bệnh truyền thống sẽ được thay bằng hồ sơ bệnh án điện tử. Người bệnh có thể tra cứu thông tin thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng qua mã QR trên đơn thuốc điện tử, giúp giảm quên thuốc, sai giờ, và tăng tính chủ động trong chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Cuộc cách mạng công nghệ số trong y tế

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: nếu không hành động quyết liệt, đến năm 2050, kháng thuốc có thể khiến 10 triệu người tử vong mỗi năm và tiêu tốn 100.000 tỷ USD chi phí y tế.

Tại Việt Nam, các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận những ca bệnh phải chi hàng tỷ đồng điều trị do nhiễm vi khuẩn đa kháng. Thậm chí, có trường hợp thiếu niên 15 tuổi mắc tụ cầu vàng kháng methicillin, điều hiếm gặp ở người trẻ.

GS. Stephen Baker (ĐH Cambridge) nhận định Đông Nam Á là “điểm nóng” kháng thuốc, do việc tiếp cận kháng sinh dễ dàng trong cả y tế và nông nghiệp. Ông cho biết chỉ sau 3 năm, vi khuẩn đã có thể kháng lại một loại kháng sinh mới.

Tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, cảnh báo, vi khuẩn kháng thuốc ngày càng đa dạng, khiến y tế cạn dần lựa chọn điều trị. Tình hình này đòi hỏi giải pháp quyết liệt, lâu dài, từ quy định pháp lý đến thay đổi hành vi của thầy thuốc và người dân.

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đặt mục tiêu đến năm 2025: ít nhất 50% người dân và 60% nhân viên y tế, thú y hiểu đúng về kháng thuốc. Đây là nền tảng để xây dựng xã hội hành động đúng, bởi dù hệ thống hiện đại đến đâu, nếu vẫn tồn tại tư duy “uống kháng sinh cho chắc”, mọi nỗ lực cũng khó thành công.

Với quy định siết kê đơn và triển khai kê đơn điện tử theo Thông tư 26, Bộ Y tế đang tổ chức các chương trình tập huấn toàn quốc, hướng dẫn sử dụng phần mềm kê đơn và nâng cao kỹ năng tin học cho nhân viên y tế, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Theo các chuyên gia, siết kê đơn, đặc biệt với kháng sinh, không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là giải pháp ứng phó với kháng kháng sinh, thách thức y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng người dân tự ý mua và dùng kháng sinh khi không cần thiết vẫn rất phổ biến. Chỉ cần ho, sốt, mệt là có thể dễ dàng mua thuốc mà không cần đơn.

Một chủ nhà thuốc ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, từng cố gắng chỉ bán thuốc theo đơn, giải thích cho người dân, nhưng đa phần không nghe. Có người còn mắng là nhiều chuyện. Không chỉ kháng sinh, việc lạm dụng truyền dịch cũng phổ biến. Nhiều người coi truyền dịch là "thần dược" phục hồi sức khỏe, trong khi nếu vẫn ăn uống được, truyền dịch có thể gây rối loạn điện giải, thậm chí đe dọa tính mạng.

Nguy cơ tử vong do kháng kháng sinh trên toàn cầu
Các bệnh do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có nguy cơ trực tiếp gây ra 39 triệu ca tử vong, cũng như gián tiếp gây ra 169 triệu ca tử vong trên toàn thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư