Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quốc hội Chất vấn và trả lời chất vấn: Không để những “món nợ” khó trả
Hà Nguyễn - 17/11/2017 08:11
 
Hôm qua, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Như thông lệ, đã có những câu hỏi được đặt ra và tương ứng là những câu trả lời của các vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Xin chưa nói tới chuyện những câu trả lời đó thế nào, mà chỉ đề cập việc liệu các vấn đề mà cử tri cũng như đại biểu Quốc hội đặt ra được xử lý ra sao.

Đặt vấn đề trên là bởi ngay trước phiên chất vấn, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày báo cáo khá cụ thể, chi tiết kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV. Theo báo cáo, qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri, 63 đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội và đến nay 100% câu hỏi đã được trả lời.

.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày báo cáo khá cụ thể, chi tiết kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV

Tất cả câu hỏi đã được trả lời, nhưng việc giải quyết hiện ra sao? Con số chắc chắn khiến dư luận bất ngờ.

Đó là còn tới 570 kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Hẳn nhiên, cử tri đang rất trông chờ các giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm những kiến nghị nêu trên.

“Món nợ” này là khá lớn và không dễ trả. Bởi một con số khác cũng được đề cập trong bản báo cáo của Ủy ban Dân nguyện. Đó là vẫn còn 554 kiến nghị tồn đọng từ những kỳ họp trước, song cho đến nay, mới giải quyết được 291 kiến nghị. Thậm chí, có kiến nghị - về quản lý phân bón chẳng hạn - đã trải qua 5 kỳ họp mới được giải quyết. Có đến quá nửa kiến nghị chưa được giải quyết nói trên không được nêu rõ lộ trình và thời hạn giải quyết…

Điều này có nghĩa, vẫn còn rất nhiều “món nợ” với cử tri. Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện, thậm chí cũng đã chỉ đích danh những bộ, ngành “nợ” nhiều nhất. Điều này là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là từ đây, những “món nợ” đó sẽ được giải quyết ra sao, trong khi đó là những “món nợ” liên quan đến các vấn đề sát sườn của nền kinh tế, với đời sống người dân.

Trong ngày chất vấn hôm qua, các đại biểu tiếp tục tập trung vào những vấn đề nóng đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, từ chuyện nợ công, nợ Chính phủ, đến cải cách thuế, chuyển giá, rồi chuyện xử lý ngân hàng yếu kém, việc điều hành chính sách tiền tệ…

Vẫn nóng, vẫn được chất vấn, dù đây là những vấn đề không mới, được đặt ra trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Điều đó cho thấy, mới chỉ có hỏi và trả lời, phần giải quyết vấn đề chưa thực sự rốt ráo.

Tất nhiên, đây là những vấn đề khó của nền kinh tế, thậm chí còn là những điểm yếu cố hữu nên không dễ giải quyết. Nhưng khi cùng một vấn đề lại được chất vấn đi, chất vấn lại ở nhiều kỳ họp, thì không thể không nghĩ tới câu hỏi “hậu chất vấn thế nào?”.

Bởi thế, dư luận kỳ vọng, không chỉ các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra một cách thẳng thắn, không né tránh, cả câu hỏi và trả lời phải đi đến tận dùng, mà các vấn đề được đại biểu Quốc hội, các cử tri đặt ra cũng phải sớm được giải quyết, để không còn những “món nợ” tồn đọng.

Quốc hội chất vấn 4 "tư lệnh" ngành trong 3 ngày
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư