Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Quốc hội chuẩn bị kỳ họp bất thường, xem xét 5 vấn đề quan trọng
Nguyễn Lê - 22/11/2021 17:18
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội.
.
Toàn cảnh phiên họp chiều 22/11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 5, chiều 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường và kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 13/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm trình hồ sơ 5 nội dung đã thống nhất để có cơ sở, xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 12/2021.

Đến nay, đã nhận hồ sơ tài liệu của 4 nội dung, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ.

Còn thiếu hồ sơ tài liệu của 1 nội dung  là Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Hiện nay, các Ủy ban: Kinh tế, Tài chính - Ngân sách đang phối hợp với các Ủy ban có liên quan để tiến hành thẩm tra. Đề nghị các Ủy ban có liên quan báo cáo sơ bộ về việc chuẩn bị các nội dung này. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc báo cáo Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường", ông Cường báo cáo.

Về kỳ họp thường kỳ tiếp theo của Quốc hội (tháng 5/2022) ông Cường cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nếu có).

Quốc hội cho ý kiến 7 dự án luật: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 1);  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (nếu có); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (nếu có).

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Một số nội dung khác cũng nằm trong chương trình nghi sự như xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023; xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội (nếu có); xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ồng Cường cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng 3 hoặc tuần đầu tiên của tháng 4/2022 để cho ý kiến về một số nội dung cần thiết.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian tổ chức kỳ họp cũng như nội dung kỳ họp bất thường phụ thuộc vào công tác chuẩn bị. Tất cả các nội dung của kỳ họp này đều khó, phức tạp, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình chứ không thể làm ngang, làm tắt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải sát sao, công khai, vô tư, khách quan, minh bạch, không được để sơ suất gì trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp này.

Kỳ họp thứ hai đã hoàn thành một số việc rất mới, rất khó

Tổng kết kỳ họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất đây là kỳ họp thể hiện đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội, thành công rất tốt đẹp. Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp này tập trung giải quyết rất nhiều việc quan trọng của quốc gia, đều là những việc khó, tiếp tục hoàn thiện khung khổ cho cả 5 năm như đề án tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, quy hoạch sử dụng đất đến 2030 và kế hoạch sử dụng dất 5 năm. Một số việc rất mới, rất khó cũng đã được hoàn thành như lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyết định nhiều cơ chế đặc thù. Nội dung rất nhiều, thời gian rất ngắn, nhưng các nghị quyết được Quốc hội thông qua đều rõ việc, rõ nhiệm vụ, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, là căn cứ để Chính phủ tổ chức thực hiện và Quốc hội giám sát.

Đầu tư 146.990 tỷ đồng xây cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ là một trong những công trình hạ tầng động lực, giúp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư