-
Tổng thống Rumen Radev mong muốn VinFast sớm nghiên cứu, đầu tư vào Bulgaria -
Tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên 200 triệu đồng -
Quốc hội nhất trí đưa phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% -
Doanh nghiệp tư nhân cũng được hành nghề công chứng -
Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ -
PTC2 tăng cường kiểm tra hệ thống truyền tải điện tại các tỉnh, thành đang mưa lớn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Vay vốn ODA phụ thuộc vào uy tín với chủ nợ
Theo số liệu của Đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với thời kỳ 2006 - 2010.
Trong đó, vốn vay ODA vốn vay ưu đãi 32,296 tỷ USD; viện trợ không hoàn lại 1,346 tỷ USD. Nhưng tổng dư nợ nước ngoài tính đến thời điểm 31/12/2016 mới tương đương 44,3% GDP, vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết 25/2016/QH14 (nợ nước ngoài không quá 50% GDP).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 (Ảnh: Quochoi.vn) |
“Vay vốn ODA phụ thuộc vào uy tín với chủ nợ, mức độ tín nhiệm quốc gia trên thị trường vốn quốc tế. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2011-2016 tăng 59% so với giai đoạn trước đã chứng tỏ uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ đã được cải thiện đáng kể”, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, ông Nguyễn Đức Hải cũng khẳng định, qua thực hiện giám sát, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài về cơ bản được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng tới cam kết, góp phần giúp Chính phủ từng bước cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cơ bản phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
“Trong giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế, xã hội quan trọng như tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, các mặt của đời sống xã hội, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có những bước khởi sắc”, ông Hải nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải thừa nhận, vốn ODA đã góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt của địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng, môi trường... đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Cho ý kiến vào Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 vào chiều ngày 9/8/2018, tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng để thúc tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế...
Đi vay cũng không phải dễ
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc sử dụng nguồn vốn ODA thời gian vừa qua vẫn còn không ít hạn chế bất cập từ việc đàm phán, ký kết vay nợ chưa thống nhất đầu mối; công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế; chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp; chất lượng, năng lực triển khai một số dự án chưa cao, không đáp ứng yêu cầu giải ngân; còn có những dự án trả nợ chậm tiến độ, có những dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn; công tác giám sát, đánh giá hiệu quả dự án chưa thường xuyên; hiệu quả sử dụng nguồn lực ODA ở một số dự án chưa cao.
“Nói chung từ khâu đàm phán, đến khâu khai thác dự án sử dụng vốn vay đến khâu cuối cùng là trả nợ, khâu nào cũng có những hạn chế, bất cập”, ông Hiển nhận định.
“Không phủ nhận hiệu quả rất tích cực của việc sử dụng nguồn vốn vay ODA phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, nhưng sau khi thực hiện giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri là sử dụng vốn ODA có bị thất thoát không, thất thoát ở mức độ nào? Vốn ODA sử dụng có bị lãng phí không, lãng phí thế nào? Các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả không, hiệu quả ra sao?”, bà Nguyễn Thanh Hải đặt ra một loạt câu hỏi.
Câu hỏi của bà Hải chưa có câu trả lời ngay, song theo bà, việc sử dụng vốn ODA đang bị động. Minh chứng rõ nhất là kể từ năm 2011 trở lại đây, năm nào giải ngân vốn ODA cũng vượt dự toán, có những năm giải ngân vốn ODA vượt dự toán tới 29.422 tỷ đồng (năm 2013), thậm chí năm năm 2015 vượt 30.725 tỷ đồng.
“Ngay như giai đoạn 2016-2020, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua chỉ bố trí giải ngân vốn ODA 300.000 tỷ đồng, nhưng thực tế các dự án ODA đã ký kết với số tiền ước vào khoảng 560.000 tỷ đồng nên bây giờ Quốc hội phải xem xét điều chỉnh lại nguồn vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn”, ông Hiển bổ sung.
Trong khi đó, Tổng thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc lo ngại sử dụng vốn vay ODA “rẻ lại hóa đắt”. Theo ông Phúc, chưa kể tới việc sử dụng vốn vay ODA phải chấp nhận các điều kiện áp đặt do chủ nợ đưa ra từ tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công mà chỉ kể tới việc buộc phải sử dụng máy móc, thiết bị do nhà tài trợ chỉ định đã thấy nhiều khi vốn ODA không hề rẻ.
“Một dự án ODA từ khi đàm phán, ký kết đến khi triển khai dự án và kết thúc dự án kéo dài 5-7 năm, trong khoảng thời gian đó máy móc, thiết bị buộc phải mua theo hợp đồng đã trở nên lạc hậu vì công nghệ bây giờ thay đổi hàng năm, thậm chí hàng tháng, nhưng đã vay ODA thì phải dùng đúng loại máy móc, thiết bị đã ký kết trong hợp đồng. Như vậy, nhiều khi sử dụng vốn ODA rẻ lại hóa đắt”, ông Phúc phát biểu.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tính toán, bình quân một người Việt Nam đang nợ 40 USD vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Theo quan điểm của ông Dũng, đã đến lúc phải giảm dần và có thể chấm dứt việc đi vay ODA cũng như vay thương mại ưu đãi.
“Ở thời điểm cao nhất, bình quân một người dân Hàn Quốc chỉ “gánh” 4 USD vốn vay ODA, Thái Lan là 5 USD. Hiện tại Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines cũng đang giảm dần vốn vay ODA”, ông Dũng dẫn chứng khi cho rằng đề xuất chấm dứt vay vốn ODA ở thời điểm này là có cơ sở.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, để hoàn thành các nhiệm vụ trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ, việc huy động từ các nguồn vốn trong và ngoài nước là cần thiết, có vai trò hết sức quan trọng.
“Vì vậy, chủ trương huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là đúng đắn, góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lúc này chưa nên nói tới giảm dần hay chấm dứt vay vốn ODA, vì đi vay đâu phải dễ, không phải cứ muốn là vay được mà phải có uy tín, đầu tư hiệu quả thì nhà tài trợ nước ngoài mới cho vay”, ông Hiển nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đo lường hiệu quả các công trình, dự án sử dụng vốn vay ODA không chỉ đơn thuần là các chỉ tiêu về tài chính như các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay thông thường.
“Vì các dự án, công trình sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện cả mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, bảo vệ an ninh quốc phòng, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền... Dựa vào các tiêu chí này và hiệu quả kinh tế, các nhà tài trợ đánh giá Việt Nam là một trong số ít quốc gia sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến nhà tài trợ nước ngoài tiếp tục cho Việt Nam vay vốn trong khi cắt giảm nguồn vốn vay với nước khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
-
Doanh nghiệp tư nhân cũng được hành nghề công chứng -
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Tăng cường ký hiệp định dẫn độ tội phạm -
Giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ chưa được quan tâm đúng mức -
Tội phạm cướp ngân hàng, cướp cửa hàng vàng tăng -
Giảm mạnh thuế cho báo chí, tăng thuế đồ uống có đường -
Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 3 tuyến giao thông kết nối 2 bệnh viện -
Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
- Siêu phẩm “nhà đẻ ra tiền” tung chính sách khủng cuối năm
- Việt Nam - Điểm khởi đầu cho kế hoạch tư vấn nhà máy thông minh toàn cầu của Samsung
- Chuyển tiền Kiều hối Ria về Việt Nam tại Agribank - phí 0 đồng
- BIDV nhận 3 giải thưởng quốc tế về trải nghiệm khách hàng
- Land Rover Việt Nam ra mắt Range Rover Velar mới
- GEIMS Việt Nam 2024 - Điểm hẹn của các doanh nghiệp “Đầu tàu” ngành sản xuất diện tử