Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quốc hội khóa XV khai mạc họp kỳ thứ Hai: Đánh giá toàn diện tác động của Covid-19
Nguyễn Lê - 20/10/2021 06:35
 
9 giờ sáng nay (20/10) Quốc hội khoá XV bắt đầu kỳ họp thứ Hai, sẽ diễn ra trong 17 ngày làm việc, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XV.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.

Đợt một Quốc hội họp trực tuyến, qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Covid - 19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội

Theo chương trình kỳ họp trình Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp trù bị, đầu phiên khai mạc, các vị đại biểu Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch COVID-19.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tiếp đó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá nội dung trên.

Quốc hội cũng sẽ nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2.

Ở cả ba báo cáo này, tác động của Covid - 19 đến mọi mặt của đời sống xã hội sẽ được đề cập khá rõ nét.

Tại báo cáo chung về tình hình kinh tế xã hội (KTXH) gửi Quốc hội, Chinh phủ khái quát, năm 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn, thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH tuy có những chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, bức tranh tổng thể về KTXH vẫn có những điểm sáng về ổn định kinh tế vĩ mô. Ước thực hiện cả năm có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao.

Chính phủ cũng đã gửi báo cáo riêng về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Uỷ ban Xã hội đã tiến hành thẩm tra nội dung này.

Trong báo cáo riêng, Chính phủ đánh giá tác động nhiều mặt của dịch bệnh, trong đó có nhận xét, công tác an sinh xã hội nhiều nơi chưa được kịp thời bảo đảm, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Việc giải ngân các gói an sinh xã hội còn chậm, thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có nơi không đủ lương thực, thực phẩm.

Thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 30. Như, hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với chi phí tăng cao, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh, hoạt động của các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiến độ phục hồi chậm do thị trường bị sụt giảm trong khi đó các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng; khó khăn về vốn lưu động, khó tiếp cận chính sách tín dụng.

Sửa Luật Thống kê ngay ngày đầu tiên

Ngay chiều 20/10, Quốc hội sẽ nghe  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, sau đó nghe báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ nội dung này.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự thảo Luật gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về: Quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); Rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.

Trước đó, đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024. Báo cáo thẩm tra nội dung này được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày ngay sau đó.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí sẽ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư