Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội lùi thời hạn cho ý kiến Luật Biểu tình
- 22/05/2015 10:10
 
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (22/5), đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.

Tham gia ý kiến vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, ông Nguyễn Văn Minh – Đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn cho rằng, việc Quốc hội lùi thời hạn cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (năm 2016) là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh đề nghị bổ sung việc cho ý kiến xây dựng Luật Quân đội nhân dân Việt Nam vào kỳ họp Quốc hội thứ 2 năm 2015. Đây là luật gốc cho các vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân, các khu vực phòng thủ. Trong điều kiện Quốc hội đã ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an Nhân dân, đề nghị Quốc hội sớm ban hành bộ luật gốc là Luật Quân đội nhân dân Việt Nam.

Góp ý với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đại biểu Hà Sơn Nhin đoàn Gia Lai nhất trí với việc Quốc hội lùi thời hạn cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (năm 2016). Theo ông Nhin, trong điều kiện tình hình chính trị quốc tế và trong nước có nhiều vấn đề phức tạp như hiện nay, việc lùi thời hạn cho ý kiến là để Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước có thêm thời gian xem xét, cho ý kiến xây dựng luật cho phù hợp; Cơ quan chức năng có thời gian tổ chức, thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn.

“Chúng ta có chương trình, quyết định xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề gì cần thời gian hoàn chỉnh, nghiên cứu thì nên dành thời gian xem xét một cách kỹ càng, thấu đáo, tránh đi những điều khoản pháp luật vừa làm xong đã phải sửa”, đại biểu Nhin nói.

Một vấn đề khác cũng được đại biểu Nhin trăn trở là thực tế những năm qua, việc xây dựng luật của Quốc hội còn nhiều hạn chế khi tuổi thọ của luật không cao, hiệu lực không mạnh; khi “bí” trong việc xây dựng luật, Quốc hội lại giao lại cho Chính phủ trong khi trước đó, các văn bản luật lại do chính các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ trình lên.

ab
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đoàn Trà Vinh.

Góp ý với việc sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đại biểu Trần Quốc Tuấn đoàn Trà Vinh đặt câu hỏi: Tại sao 1 điều luật mang tính nhân văn như thế, có lợi cho người lao động như thế mà lại có 1 bộ phận người lao động không đồng tình (?). Việc này có trách nhiệm của Quốc hội, của cơ quan tuyên truyền pháp luật, cơ quan quản lý người lao động, cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.

“Qua nghiên cứu tại kỳ họp trước, chúng ta đều thấy rằng, thực hiện Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có nhiều lợi ích so với hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Trong thời gian bảo lưu, người lao động trong thời gian chờ hưu vẫn được đảm bảo quyền lợi như mua bảo hiểm y tế. Ai cũng có tuổi trẻ, tuổi già. Khi già, vấn đề sức khỏe đặt lên hàng đầu. Trong thời gian đó, người lao động được nhà nước chăm lo sức khỏe qua bảo hiểm y tế, khi về già có thể tự lo cuộc sống của mình. Nhưng thực tế, hầu hết những người phản đối là lao động các khu công nghiệp là các lao động ở nông thôn lên thành thị, thu thập thấp, cuộc sống bấp bênh. Chúng tôi cho rằng, việc người lao động muốn nhận trợ cấp 1 lần cũng là nguyện vọng chính đáng. Do dó, đề nghị Quốc hội xem xét sửa điều 60 theo hướng trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sau thời gian 1 năm nghỉ việc có thể nhận bao hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, vấn đề này phải có lộ trình, đến 2018, 2020 phải thực hiện Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như sự phát triển bền vững của xã hội”, đại biểu Tuấn phát biểu.

Các dự án luật, pháp lệnh được Quốc hội khóa XIII đưa vào chương trình xây dựng gồm: Pháp lệnh quản lý thị trường, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1269/2011/NQ – UBTVQH11 ngày 14/7/2011 về thuế bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Các luật gồm: Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Luật dược (sửa đổi), Luật khí tượng thủy văn.

Các luật đưa vào chương trình xây dựng năm 2016 bao gồm: Luật tiếp cận thông tin, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật quy hoạch, Luật báo chí (sửa đổi), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật dược (sửa đổi), Luật biểu tình, Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thủy sản, Luật du lịch (sửa đổi), Luật ban hành quyết định hành chính, Luật về hội, Luật về hội, Luật đấu giá tài sản, Luật dân số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh niên, Luật Công an xã, Luật thủy lợi, Luật chứng thực, Luật về máu và tế bào gốc, Luật đường sắt (sửa đổi), Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật quản lý ngoại thương, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật đo đạc bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao và Luật cảnh vệ.

Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến Luật Trưng cầu dân ý
Sáng nay (19/5), Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về các nội dung chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư