Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội và quyền "bú tí mẹ" của những công dân “nhí”
Mạnh Bôn - 20/10/2015 10:44
 
Có nhiều góc nhìn khác nhau về quyền và nghĩa vụ của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Rất nhiều quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, nhưng đôi khi lại chỉ là những điều rất bình dị, như quyền “cho trẻ em dưới 2 tuổi được… bú tí mẹ”.

Từ thư ngỏ của các công dân... chưa biết nói

Tham gia Quốc hội 3 khóa với gần 14 năm liên tục, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn nhớ như in buổi sáng ngày 21/6/2012 - ngày Quốc hội thông qua Luật Quảng cáo.

Thực ra thì ngay khi Quốc hội xây dựng Luật Quảng cáo, rất nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh sản phẩm sữa đã tìm cách để “lobby” chính sách, với mong muốn Quốc hội sẽ không bỏ phiếu thông qua việc cấm quảng cáo sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), thậm chí đích thân bà Lotta Sylwander, Chủ tịch UNICEF tại Việt Nam còn nhiều lần gặp gỡ một số cơ quan và nhà lập pháp Việt Nam để vận động theo hướng ngược lại, nhằm bảo vệ quyền được bú sữa mẹ của trẻ em. Càng đến gần thời điểm Quốc hội thông qua Luật Quảng cáo, chuyện “lobby” càng gay cấn và phần thắng nghiêng hẳn về phía DN.

Phòng họp Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội) mang tên hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nơi đưa ra nhiều quyết sách lớn  ảnh: đ.t
Phòng họp Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội) mang tên hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nơi đưa ra nhiều quyết sách lớn ảnh: đ.t

Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, ông Quốc rất phân vân, không biết nên ủng hộ hay phản đối. Nhưng từ kinh nghiệm của mình và sau khi nghiên cứu tài liệu, ông nghiệm ra rằng, đối với trẻ em, không gì có thể so sánh với sữa mẹ. Hơn nữa, việc bú mẹ không chỉ là quyền của trẻ em, mà còn là sợi dây gắn kết tình mẫu tử - tình cảm thiêng liêng hơn bất cứ tình cảm nào của con người. 

Bởi thế, ngày 20/6/2012, ông Quốc đã nhân danh 3 triệu trẻ em “đang ti mẹ” gửi tâm thư tới cơ quan lập pháp và các đại biểu Quốc hội với tựa đề “Thư ngỏ gửi Quốc hội của các công dân... chưa biết nói”. Bức tâm thư ấy ông Quốc viết từ góc độ của trẻ nhỏ, lời lẽ không đao to, búa lớn, nhưng gửi gắm cả tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số người Việt đã và đang được bú tí mẹ.

“Đành rằng luật không cấm bán và cũng chẳng cấm mua, nhưng quảng cáo, nhất là trên tivi khiến mẹ chúng cháu yên tâm rằng, có con bò nó thay mình nuôi con rồi thì thôi cho con bú, đỡ phiền phức bận bịu lại giữ được tí đẹp cho người lớn mà quên mất chúng cháu… Chúng cháu e rằng, các bác đại biểu lỡ tay bấm nút cắt đi một nửa suất thời gian (chỉ cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi) thì sau này chúng cháu lớn lên mà trì độn hơn các bác thì hại cho nước quá”, ông viết thế.

Bức tâm thư ngay sau khi được nhiều báo điện tử đăng tải đã tác động rất mạnh đến đại biểu Quốc hội. Và kết quả, trước khi thông qua toàn Luật Quảng cáo, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với số phiếu áp đảo việc cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thậm chí còn cấm luôn sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Việt Nam đã trở thành một trong số ít nước đi đầu trong cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 2 tuổi. Tháng 12 năm ấy, gần 900 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tập trung tại New Dehli (Ấn Độ) tổ chức hẳn một hội nghị để đòi quyền được bú tí mẹ cho con trẻ, với khẩu hiệu “Con trẻ cần những thứ của mẹ sinh ra, không cần đến những gì do con người chế biến ra”. Sau khi Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc, Giáo sư Olivier De Schutter, thông báo trước hội nghị rằng, Quốc hội Việt Nam vừa kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng và cấm quảng cáo các loại thực phẩm thay thế sữa mẹ, toàn thể Hội nghị vỗ tay tán thưởng.

Quyền được bú tí mẹ, theo ông Quốc, còn là quyền cơ bản của con người - không chỉ được hiến định, mà cũng đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945: “Con người sinh ra có quyền sống, quyền được hưởng và mưu cầu hạnh phúc”.

Đối với trẻ em, “quyền được sống, được hưởng và mưu cầu hạnh phúc” chính là quyền được bú tí mẹ. Ý thức rất rõ điều này, nên mặc dù có không ít quan điểm trái ngược, nhưng Quốc hội vẫn thông qua Bộ luật Lao động năm 2012 với quy định bảo vệ tuyệt đối lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, đồng thời nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng, để các bà mẹ “toàn tâm toàn ý nuôi con bằng nguồn sữa của mình” trong 6 tháng.

Đến năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cho phép các ông bố được nghỉ tới 7 ngày khi vợ sinh con để giúp con… ti mẹ trong những ngày đầu đời.

Đến hiện thân của nền dân chủ

Thực ra, việc Quốc hội Khóa XIII cho phụ nữ sinh con nghỉ 6 tháng để các công dân “chưa biết nói” được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, hay quy định về việc người lao động làm việc 8 giờ/ngày, ban hành các luật liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền cơ bản của công dân…, theo ông Quốc, chính là cách để Quốc hội tiếp tục thực hiện các chính sách dân chủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng ngay tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (tiền thân của Quốc hội) và được Quốc hội các khóa liên tục hoàn thiện, nâng cao.

Trước thềm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, vào ngày 16 và 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào về đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để tổ chức Đại hội Đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào).

Tại đại hội lịch sử này, nhiều quyết sách làm thay đổi cả lịch sử dân tộc đã được ban hành, như đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ; luật hóa nhân quyền (quyền con người), tài quyền (quyền sở hữu), dân quyền (quyền tự do tín ngưỡng, tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại…); quy định ngày làm việc 8 giờ, định lương tối thiểu, thực hiện xã hội bảo hiểm…

Và ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, một trong những việc làm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội, bởi Quốc hội là hiện thân của nền dân chủ, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là nơi tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc... Và bầu cử Quốc hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, là “dịp để cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức gánh vác công việc nước nhà”.

“Các nhà nghiên cứu lịch sử còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức nữa mới lý giải nổi vì sao Bác Hồ đã từng sống nhiều năm ở nước Nga Xô-viết, chịu ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Xô-viết và trước đó, vào năm 1930-1931, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức phong trào đấu tranh Xô-viết Nghệ Tĩnh, nhưng Bác không xây dựng nước ta theo thể chế Xô-viết, mà lại quyết định tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội, tức là lựa chọn nền dân chủ. Đến giờ này, các nhà nghiên cứu về lịch sử chưa thể lý giải nổi, chỉ có thể khẳng định rằng, việc tổ chức bầu cử ‘càng sớm càng tốt’ để khẳng định với thế giới Việt Nam đi theo con đường dân chủ là tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, sử gia Dương Trung Quốc bình luận.

Gần 30 năm sau, kể từ ngày nhân dân cả nước đi bầu cử Quốc hội Khóa I (ngày 6/1/1946), vào ngày 25/4/1976 - tức là đúng 360 ngày kể từ khi thống nhất đất nước, non sông về một mối, hơn 23 triệu cử tri, đại diện cho 50 triệu đồng bào cả nước lại được thực hiện quyền đi bầu cho những người có đức, có tài, có tâm huyết vào cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại diện cho nền dân chủ - Quốc hội Khóa VI.

Quốc hội Khóa VI, theo sử gia Dương Trung Quốc, không chỉ bắt đầu giai đoạn lịch sử mới của dân tộc là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà là còn là Quốc hội của hòa hợp, hòa giải dân tộc, mở rộng mối bang giao với các nước trên thế giới trên tinh thần thiết lập và mở rộng quan hệ bình đẳng giữa Việt Nam với tất cả các nước có chế độ xã hội khác nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và hai bên cùng có lợi.

Và kỳ vọng những quyết sách lớn

Không phải ngẫu nhiên mà Tòa nhà Quốc hội đặt tên cho hai phòng họp quan trọng nhất là Phòng họp Diên Hồng (để họp Quốc hội) và Phòng họp Tân Trào (để họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Năm 1284, trước sự xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên - Mông, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã triệu họp các bậc phụ lão trong cả nước để xin ý kiến về việc hòa hay đánh. Hội nghị Diên Hồng được coi là hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Còn Quốc dân Đại hội Tân Trào là hội nghị dân chủ lần thứ hai.

Tính đến hôm nay, Quốc hội Việt Nam đã sắp tròn 70 năm lịch sử, với 13 khóa Quốc hội, trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Đó cũng là 13 “hội nghị” của tinh thần dân chủ, với mỗi “hội nghị” là hàng loạt cuộc họp nối dài, với các chương trình nghị sự quan trọng, mà một trong số đó là các quyết sách liên quan đến Đổi mới nền kinh tế. Gần 7 thập kỷ của Quốc hội Việt Nam là gần 7 thập kỷ Quốc hội đã ghi dấu những thành công trong công tác lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Kỳ họp thứ 10, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII khai mạc sáng nay, 20/10, chuẩn bị cho việc kết thúc thành công Quốc hội Khóa XIII và Quốc hội Khóa XIV tiếp nối, với rất nhiều trọng trách, khi đất nước bắt đầu bước vào giai đoạn lịch sử mới: giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn, thực chất hơn và toàn diện hơn với thế giới.

Sẽ có nhiều quyết sách được thông qua, nhiều chính sách được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 10 này, từ thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, rồi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020…

“Xây dựng, sửa đổi, bổ sung bất cứ chính sách nào, quyết định bất cứ vấn đề gì nếu Quốc hội lấy người dân làm trung tâm, vì lợi ích của tuyệt đại đa số người dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc và tuyệt đối không để nhóm lợi ích nào chi phối, thì Quốc hội mới thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, mới thực sự là biểu tượng của dân chủ - con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc”, ông Quốc, người mà suốt từ năm 2002 đến nay, mỗi kỳ họp, ngày nào cũng đi xe máy đến nghị trường để thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, chia sẻ.

Đúng vậy, điều quan trọng là mỗi đại biểu Quốc hội, thậm chí là mỗi người dân Việt Nam đều phải hành động vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Làm được như vậy, Quốc hội vững, nước mới thịnh, và dân mới giàu…

Khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII: Chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ
Sáng nay (20/10), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư