Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quy định dùng muối tăng cường I-ốt làm khó doanh nghiệp thủy sản
Thế Hải - 10/04/2017 17:07
 
Việc quy định bắt buộc các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước phải sử dụng muối tăng cường i-ốt khiến doanh nghiệp băn khoăn và gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn tới Bộ Y tế kiến nghị bãi bỏ nội dung hướng dẫn tại Điểm 2 của văn bản 1216/BYT-PC ngày 14/3/2017 của Bộ Y tế do quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối tăng cường i-ốt.

Ngày 18/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (NĐ 09) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Theo đó, kể từ ngày 15/3/2017, các loại muối ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung I-ốt. 

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 vào ngày 10/3/2017, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã phản ánh những bức xúc liên quan đến quy định sử dụng muối có I-ốt trong chế biến thực phẩm. Sau đó, chiều ngày 13/3/2017, cuộc đối thoại giữa đại diện Bộ Y tế và các doanh nghiệp sữa do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã diễn ra tại Văn phòng Chính phủ.

VASEP khẳng định, do nguyên liệu tự nhiên của sản phẩm đó đã có sẵn i-ốt, đặc biệt là thủy hải sản, không cần sử dụng muối có i-ốt để tránh gia tăng thêm chi phí sản xuất và tạo ra hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm.
VASEP khẳng định, do nguyên liệu tự nhiên của sản phẩm đã có sẵn i-ốt, đặc biệt là thủy hải sản, không cần sử dụng muối có i-ốt để tránh gia tăng thêm chi phí sản xuất và tạo ra hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm.

Theo kết quả cuộc đối thoại này thì, NĐ 09 chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung i-ốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho hai mục đích trên, không yêu cầu phải sử dụng muối có chứa i-ốt tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng i-ốt trong thành phẩm thực phẩm.

Đến ngày 14/3/2017, Bộ Y tế đã có văn bản số 1216/BYT-PC (VB1216) trả lời ý kiến của doanh nghiệp về việc triển khai điểm a, khoản 1, Điều 6 của NĐ 09 nhưng lại khẳng định rằng: “Các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt”.

Theo VASEP, nội dung hướng dẫn kể trên tại VB 1261 của Bộ Y tế hoàn toàn chưa đúng với tinh thần của NĐ 09 cũng như kết luận tại cuộc đối thoại ngày 13/3/2017 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.

Hơn nữa, quy định này còn nhiều bất cập, chưa phù hợp trong thực tế sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm hiện nay của Việt Nam bởi một số sản phẩm thực phẩm nếu có thêm i-ốt trong thành phần sẽ gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống ôxy hóa… và đặc biệt, sản phẩm không đảm bảo được chất lượng như công bố của nhà chế biến hoặc theo tiêu chuẩn thành phẩm (do I-ốt có tính thăng hoa, dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và biến đổi khi gặp nhiệt…).

Chưa kể, rất nhiều sản phẩm thực phẩm đã có sẵn i-ốt trong thành phần sản phẩm do nguyên liệu tự nhiên của sản phẩm đó đã có sẵn i-ốt, đặc biệt là thủy hải sản, không cần sử dụng muối có i-ốt để tránh gia tăng thêm chi phí sản xuất và tạo ra hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm.

Nghị định 09 sẽ gây thêm rào cản không cần thiết ở góc độ thương mại, do các sản phẩm trên toàn cầu khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải thay đổi nguyên liệu nếu trong thành phần thực phẩm đó có chứa muối.

Ngoài ra, việc quy định bắt buộc các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước phải sử dụng muối i-ốt cũng đang khiến có nhiều băn khoăn và khó khăn trong quá trình thực hiện của doanh nghiệp thủy sản.

Trong một số quy trình chế biến sản phẩm thủy sản cần đến muối pha với nước nhằm rửa nguyên liệu-bán thành phẩm, hoàn toàn không đưa vào trong thành phần của thành phẩm. Theo yêu cầu công nghệ cho mục đích “rửa” thì sẽ không cần đến muối có bổ sung i-ốt. Thực tế này chưa có trong hướng dẫn liên quan đến Nghị định 09 nhưng cũng khiến doanh nghiệp băn khoăn và lúng túng trong việc phải làm các thủ tục cần thiết để giải trình là muối này chỉ để rửa sản phẩm trong quá trình chế biến chứ không phải là thành phần của thành phẩm.

Tương tự vậy, một số quy trình chế biến cho một số sản phẩm thủy sản đặc thù (fillet cá tra, mực...), cũng sẽ có sử dụng muối để ngâm bán thành phẩm (tăng mức độ giữ nước nhằm chống mất nước trong quá trình cấp đông sau đó, hoặc làm trắng sản phẩm...), và hoàn toàn không sử dụng thêm vào trong thành phẩm cuối cùng.

Do đặc thù của sản xuất, doanh nghiệp có thể sản xuất các lô hàng mà sau đó một phần của lô sẽ được xuất khẩu, một phần sẽ đưa sang thị trường tiêu dùng nội địa khi có nhu cầu. Các Doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn và quan ngại khi lại phải làm các thủ tục cần thiết nào đó để tránh bị xử phạt khi yêu cầu rằng sản xuất cho tiêu dùng trong nước bắt buộc phải dùng muối có tăng cường i-ốt.

Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Y tế bãi bỏ nội dung hướng dẫn tại Điểm 2 của văn bản 1216/BYT-PC ngày 14/3/2017 của Bộ Y tế.

VASEP cảnh báo lừa đảo trong giao dịch xuất khẩu thủy sản
Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng cảnh báo tới các doanh nghiệp thành viên về việc một vài doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư