Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Quy định cản trở kinh doanh: Bãi bỏ thay vì chỉnh sửa
Khánh An - 28/07/2021 08:52
 
Đối với những gói hỗ trợ doanh nghiệp tới đây, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng ở tư duy mới trong thực thi, theo hướng bãi bỏ, thay vì chỉ chỉnh sửa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Hình dung gói hỗ trợ doanh nghiệp mới

Sẽ có gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp. Thông tin này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội.

“Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao, đang nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí. Chúng tôi sẽ báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để quyết định gói này. Tầm khoảng 24.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói khi giải trình, trả lời các ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành các quy định về miễn giảm, gia hạn và hoàn thuế, thực hiện miễn 30 loại phí và lệ phí. Nội dung các quy định này chủ yếu là kéo dài thời hạn thực hiện chính sách đã được đưa ra hồi đầu năm 2020, sau đợt bùng phát Covid-19 lần đầu tiên tại Việt Nam. Phần hỗ trợ thêm là quy định giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh giảm thu một số khoản phí, lệ phí...

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số tiền doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là 23.200 tỷ đồng; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí 4.300 tỷ đồng...

Như vậy, có thể thấy, nhóm giải pháp “chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19” mà Chính phủ đưa ra trong Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 trình Quốc hội đã có nhiều động thái triển khai, khả năng sẽ sớm được thực hiện.

Cũng phải nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ không chỉ có các chính sách hỗ trợ về thuế, phí mới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục cập nhật tình hình các doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị các giải pháp, chính sách, tiếp tục để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí phải nộp cho doanh nghiệp; tăng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các doanh nghiệp tham gia cụm, chuỗi liên kết...

Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo tạo cơ chế “luồng xanh” cho hàng hóa của doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh cơ chế tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú...

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực sẽ tiến hành rà soát ngay các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ các thủ tục của tất cả dự án thuộc mọi thành phần kinh tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.

Thông tin này của Bộ trưởng đã giải đáp kiến nghị có cơ chế hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp tư nhân của khá nhiều đại biểu Quốc hội khi nhắc tới nhiều dự án của khu vực tư nhân đang gặp trở ngại về thủ tục, khả năng chậm tiến độ đưa vào sản xuất - kinh doanh.

Trước đó, ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1242/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Phải nhanh chóng, thay vì tiếp tục; bãi bỏ, thay vì chỉnh sửa

Là một trong số ít đại biểu chọn cách góp ý trực tiếp vào văn bản các báo cáo, nghị quyết, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao trong dự thảo nghị quyết sử dụng rất phổ biến cụm từ “tiếp tục”, khi bàn luận về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, trong trường hợp này, không thể tiếp tục mãi, mà cần phải nhanh chóng. Cá nhân tôi muốn kiến nghị đưa ra một thời hạn nhanh nhất, nhưng rất khó để đưa ra một khái niệm nào nhanh nhất hiện nay, nên tôi sử dụng từ nhanh chóng”, ông Phan Đức Hiếu lý giải.

Cùng với đề xuất trên, ông Hiếu cũng muốn nhấn mạnh việc “bãi bỏ”, thay cho việc dùng cụm từ “rà soát bổ sung” trong thực hiện rà soát hệ thống văn bản mà Chính phủ đang tập trung thực hiện.

“Chính phủ đang làm rất tốt trong việc bãi bỏ hàng ngàn quy định về điều kiện kinh doanh trong thời gian vừa qua, nên tới đây, cần “bãi bỏ” các quy định cản trở hoạt động kinh doanh”, ông Hiếu đề xuất.

Vốn là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trước khi được bầu làm đại biểu chuyên trách Quốc hội khóa XV, ông Hiếu đã trực tiếp đối mặt với những chậm trễ, ngần ngừ trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngay cả giải pháp tạm hoãn thực hiện Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cho đến ngày 1/1/2022, thay vì ngày 1/8/2021, mà Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa thông tin là đang trình Chính phủ, thì trước đó, doanh nghiệp đã đề xuất bãi bỏ.

Trong Hội thảo “Chất lượng của Thông tư và Công văn - Góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) đã lấy Thông tư 40/2021/TT-BTC là ví dụ điển hình của tình trạng thông tư không thống nhất với các văn bản cao hơn.

Cụ thể, Thông tư 40/2021/TT-BTC có nhiều chế định gây khó khăn cho doanh nghiệp, yêu cầu sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh. Quy định này không phù hợp với nhiều văn bản cấp cao hơn, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Quản lý thuế. Nguyên nhân, theo đánh giá của các chuyên gia, nằm ở tư duy quản lý doanh nghiệp bằng công cụ mà Nhà nước có, chứ không vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, ông Hiếu cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như việc thực thi mục tiêu cải cách, trước mắt là cải cách thủ tục hành chính, tiếp theo là cải cách thể chế để tái cơ cấu nền kinh tế hướng đến một nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn, sẽ không thể đạt hiệu quả cao nhất, nếu chỉ tiếp tục tư duy cũ và chỉnh sửa những quy định không phù hợp...

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Những bất cập đã được phát hiện qua rà soát văn bản còn rất lớn”

- Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Từ đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức rà soát, đánh giá hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, với khoảng 8.800 văn bản, trong đó có khoảng 230 đạo luật. Qua đó, phát hiện hàng trăm văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn và đã báo cáo Quốc hội một số nội dung. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào rất quan trọng để chúng ta có thể đề xuất chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật sát thực tiễn.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng, những bất cập đã được phát hiện qua rà soát văn bản còn rất lớn và mới xử lý được một phần. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, coi đây là giải pháp cơ bản, thường xuyên để đảm bảo chất lượng của thể chế nói chung và hệ thống pháp luật nói riêng. Đề nghị Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, giám sát nội dung này.

Không có chính sách cụ thể, thông thoáng, doanh nghiệp không tin tưởng để đầu tư”

- Bà Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế 10 năm. Nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án động lực là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của Covid-19 hiện nay, nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nên rất cần thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, có địa phương đã thực hiện thành công đầu tư một số dự án động lực giao thông cảng biển theo hình thức đối tác công - tư. Nếu chờ nguồn ngân sách của Nhà nước thì sẽ khó có thể thực hiện được. Thực tế, một số tập đoàn kinh tế hiện nay cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, nên chưa mạnh dạn đầu tư. Nếu không có cơ chế, chính sách cụ thể, thông thoáng, doanh nghiệp sẽ không tin tưởng để đầu tư.

Phải thay đổi tư duy về quản lý nhà nước”

- Ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Phải thay đổi tư duy về quản lý nhà nước. Nhiệm kỳ trước, chúng ta đã có những chuyển biến rất tích cực, thì nhiệm kỳ này cần tiếp tục chuyển biến mạnh hơn.

Tự chủ là để từng cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về việc mình đóng góp ra sao cho xã hội. Còn tự chủ mà chúng ta vẫn hiểu theo nhiều tư duy đếm số mét vuông, đếm số giáo viên để cho chỉ tiêu tuyển sinh, vẫn cam thiệp quá sâu vào vấn đề chức danh này phải kiêm chức danh kia hay rất nhiều yếu tố khác.

Chúng ta cũng có những lúng túng, như bắt buộc Chủ tịch Hội đồng trường phải là cơ hữu, trong khi có nhiều trường, nhiều cơ sở có thể mời những người có vai trò quan trọng với trường tham gia điều hành Hội đồng trường. Hay quan điểm phải dạy chính quy xong mới được dạy tại chức, phải dạy đại học xong mới được dạy cao học.

Tôi cho rằng, rất nhiều quy định chính sách hiện nay cần thay đổi để đảm bảo cho các đơn vị cơ sở đào tạo được tự chủ về học thuật cao hơn.
Hỗ trợ doanh nghiệp: Không có lý do chậm trễ
Ngay trước thời điểm đến hạn của quy định về giãn thời gian nộp một số khoản phí, lệ phí, Bộ Tài chính có văn bản mới, với thời gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư