Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quy mô ngành sữa đang “phình” to
P.V - 09/06/2017 14:24
 
Áp lực cạnh tranh với các hãng sữa ngoại có thâm niên độc chiếm thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay có vẻ không làm chùn chân các hãng sữa nội. Nguồn cung từ các doanh nghiệp nội tiếp tục gia tăng đã khiến mức chi nhập khẩu sữa giảm dần.

Những dự án ngàn tỷ

Đầu tư gia tăng quy mô sản lượng với các sản phẩm sữa đem lại doanh thu chủ lực như sữa bột, sữa nước… là mục tiêu lớn của các doanh nghiệp sữa nội, khiến sản lượng sữa bột được cung cấp bởi các hãng sữa nội như Vinamilk, Nutifood… tiếp tục tăng nhanh.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã đầu tư Nhà máy sản xuất sữa bột NutiFood Bình Dương vào năm 2013, với tổng công suất 50.000 tấn sữa bột/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoản 600.000 trẻ em Việt Nam mỗi ngày. Nhà máy này đã được đưa vào hoạt động từ năm 2014.

(Đơn vị: tỷ  đồng). biểu đồ: thanh huyền
.

Tốc độ đầu tư mở rộng của NutiFood vẫn chưa dừng lại. Năm 2015, NutiFood đầu tư thêm một dự án mới, đó là Nhà máy sữa NutiFood Việt Nam, được xây dựng trên diện tích 10 ha tại Cụm công nghiệp Kiện Khê, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) với công suất chế biến 200 triệu lít và 31.000 tấn sữa bột/năm, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Dự án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ quý II/2015 đến quý II/2016, với kinh phí 700 tỷ đồng, công suất 80 triệu lít sữa nước và 10.000 tấn sữa bột/năm; Giai đoạn II từ quý III/2016 đến quý I/2018 sẽ hoàn thiện dự án với kinh phí 900 tỷ đồng, công suất thêm 120 triệu lít sữa nước và 21.000 tấn sữa bột/năm.

Chú trọng vào các sản phẩm dành cho trẻ em, những năm gần đây, sữa bột đặc trị dành cho trẻ trong các trường hợp suy dinh dưỡng, thấp còi, biếng ăn, tiêu chảy, dị ứng, tiêu hóa kém... của NutiFood đã mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp này.

Sản phẩm nổi bật của NutiFood là GrowPLUS+, được Nielsen chứng nhận là sản phẩm đặc trị dành cho trẻ em bán chạy nhất trong năm 2016. Chứng nhận này được khảo sát trên thị trường toàn quốc trong thời gian 1 năm, từ tháng 1/2016 tới tháng 12/2016 trên cả phân khúc sữa bột và sữa bột pha sẵn.

Theo chứng nhận này thì thị phần của sản phẩm GrowPLUS+ chiếm hơn 37% trong toàn phân khúc sữa bột đặc trị và hơn 38% trong phân khúc sữa bột pha sẵn, trong khi nhãn hàng đứng thứ hai trong phân khúc sữa bột chỉ chiếm hơn 20% và 17% trong phân khúc sữa bột pha sẵn.

Kết quả này được Nielsen đo lường dựa trên thống kê từ gần 190 nhãn hàng của 15 công ty sữa nước ngoài và hơn 50 công ty sữa trong nước.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood cho biết, kết quả đánh giá trên một lần nữa khẳng định đẳng cấp của GrowPLUS+, sản phẩm của một công ty thuần Việt đã chiến thắng sản phẩm của các công ty đa quốc gia sừng sỏ đã có mặt nhiều năm ở thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp sữa lớn nhất trên thị trường cũng “nhấn ga” với một loạt dự án quy mô “khủng”, với mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường nội địa với hơn 93 triệu dân.

Đỉnh điểm đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của Vinamilk là giai đoạn 2010 - 2013 khi đầu tư vào 2 siêu nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng tại Bình Dương, gồm: Nhà máy sữa nước rộng hơn 20 ha, công suất 800 triệu lít sữa/năm và Nhà máy sữa bột với công suất 54.000 tấn sữa bột/năm.

Ngay khi 2 nhà máy lớn được đưa vào vận hành trong tháng 4/2013 đã giúp Vinamilk đạt doanh thu khoảng hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012.

Ít ai biết, khi chưa có nhà máy sữa bột của Vinamilk, hàng năm, Việt Nam phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu sữa bột và các sản phẩm từ sữa. Nhờ có nguồn cung từ nhà máy của Vinamilk đã tạo điều kiện để người tiêu dùng sử dụng sữa nội với chất lượng của sữa nhập khẩu mà giá chỉ bằng một nửa.

Đo doanh thu ngành sữa

Năm 2016, tổng doanh thu toàn ngành sữa ước đạt trên 95.000 tỷ đồng, trong đó, riêng Vinamilk, doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa đạt 42.600 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, thị trường sữa nội có những bước phát triển vượt bậc, năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân tăng trưởng vào khoảng 17% mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2015.

Hai mảng chính quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành sữa trong nước và cũng là 2 mặt hàng quan trọng nhất là sữa nước và sữa bột.

Trong ngành sữa, Vinamilk là doanh nghiệp dẫn đầu, chiếm 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột, với 212.000 điểm bán lẻ và 575 cửa hàng phân phối trực tiếp.

Dự báo trong những năm tới, ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 9% và đạt mức 27-28 lít sữa/người mỗi năm vào năm 2020.

Sự chủ động từ nguồn cung tại chỗ của các doanh nghiệp nội đã giúp giảm dần kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa. Năm 2016, cả nước chi 867 triệu USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, giảm 33 triệu USD so với giá trị nhập khẩu năm 2015.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk cho hay, cùng với sữa nước, sữa bột là mảng kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sữa bột của Vinamilk còn xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Vinamilk đã đạt doanh thu 46.965 tỷ đồng trong năm 2016 và lên kế hoạch tổng doanh thu đến năm 2021 là 80.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nội địa 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%).

Riêng năm 2017, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 51.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế là 9.735 tỷ đồng, tăng 4%.

Còn Nuifood đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2020, doanh thu của Công ty sẽ đạt hơn 1 tỷ USD.

Theo dự báo của  Eurominonitor International, sữa là mặt hàng còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, do thu nhập của người dân ngày một tăng, kèm theo đó là nhu cầu tiêu dùng sữa tăng cả ở thành thị lẫn nông thôn.

Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, theo xu hướng chung của thị trường thế giới thì ngành sữa Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng, tạo điều kiện để các hãng sữa nội thừa thắng xông lên gia tăng thị phần trên thị trường sữa.

8 đơn vị đã kê khai, thông báo giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi
Đã có 8 đơn vị thực hiện kê khai, thông báo giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi về Bộ Công thương, gồm: Friesland Campina Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư