Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 27 tháng 08 năm 2024,
Rốt ráo phối hợp xử lý nợ xấu
Thùy Vinh - 07/10/2017 08:15
 
Với quyết tâm thu hồi nợ và bán nợ của nhiều ngân hàng, chỉ hơn 1 tháng qua, hàng trăm tài sản đảm bảo đã được thu giữ và đưa ra đấu giá.
TIN LIÊN QUAN

Mở ra hành lang pháp lý

Mới đây, Sacombank và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng mà Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội, Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng, Chỉ thị 06/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Đề án Tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank.

.
.

Theo đó, Sacombank và VAMC sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng lộ trình và triển khai xử lý nợ cho từng năm, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu để thu hồi nợ, mục tiêu trước mắt là trong năm 2017 sẽ xử lý và thu hồi 15.000 - 20.000 tỷ đồng nợ. Sacombank sẽ đề xuất danh mục các khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt và các khoản nợ xấu để mua bán nợ theo giá trị thị trường.

Năm 2017, hai bên sẽ xem xét mua bán nợ xấu theo giá thị trường với giá trị tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ xấu VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, hai bên sẽ đánh giá, phân loại nợ để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm triển khai hiệu quả nhất. Sacombank và VAMC cũng đã ký hợp đồng mua bán 3 khoản nợ theo giá thị trường với tổng dư nợ hơn 2.580 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo là các bất động sản, máy móc thiết bị có giá trị tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Ký kết thỏa thuận với VAMC, Sacombank sẽ có thêm điều kiện để triển khai thành công Đề án Tái cơ cấu sau sáp nhập. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã xử lý được 6.000 tỷ đồng và trong thời gian còn lại của năm, phấn đấu xử lý thêm khoảng 14.000 tỷ đồng nợ xấu. Đây là áp lực không nhỏ, nhưng với sự hỗ trợ của VAMC, Sacombank kỳ vọng mục tiêu này sẽ được thực hiện được trong những tháng còn lại của năm.

Trước đó, NHNN đã chọn 6 tổ chức tín dụng (Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) tiên phong triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm tập trung triển khai một cách toàn diện, quyết liệt và hiệu quả tất cả các chính sách cho phép để xử lý nợ xấu, xác định mục tiêu, lộ trình triển khai cho từng năm, cũng như báo cáo các khó khăn  và vướng mắc, đề xuất các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu. Đây sẽ là nền tảng tạo khung pháp lý để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn.

Ráo riết xử lý tài sản bảo đảm

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc VietinBank cho hay, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hỗ trợ rất nhiều các ngân hàng, trong đó có VietinBank, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Sau khi VAMC nổ phát súng đầu tiên bằng việc thu giữ khối tài sản đảm bảo lớn của Saigon One Tower, các ngân hàng đã ráo riết xử lý tài sản đảm bảo. Chỉ hơn 1 tháng qua, hàng trăm tài sản đảm bảo đã được thu giữ và đưa ra đấu giá.

Nghị quyết 42/2017/QH14 là cơ hội tốt để các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian còn lại của năm 2017, hoàn nhập dự phòng.

Từ tháng 8/2017 đến nay, Techcombank thu giữ tổng cộng 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của các tổ chức và cá nhân vi phạm nghĩa vụ trả nợ, trong đó riêng nửa đầu tháng 9 là 11 trường hợp. Bên cạnh đó, hàng loạt chi nhánh của Agribank, VietinBank… cũng liên tục phát đi thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo, hoặc chọn tổ chức đấu giá tài sản…

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho biết, VAMC đang rà soát danh sách của các tổ chức tín dụng đã gửi cho VAMC để bán nợ và khả năng từ nay đến cuối năm 2017, VAMC sẽ mua thêm 35.000-40.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Năm 2016, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý được 28.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng năm nay, VAMC sẽ xử lý được con số nợ xấu lớn hơn, dự kiến thu hồi được 35.000 - 40.000 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, Nghị quyết 42/2017/QH14 là cơ hội tốt để các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian còn lại của năm 2017, hoàn nhập dự phòng. Vietcombank đã hoàn tất việc trích lập cho 3.228 tỷ đồng trái phiếu VAMC từ cuối năm 2016. Techcombank cũng trích lập xong cho 2.992 tỷ đồng trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối tháng 6/2017. Nếu tỷ lệ thu hồi được là 30%, hai ngân hàng này có thể hạch toán tương ứng 998 tỷ đồng và 897 tỷ đồng lợi nhuận không thường xuyên vào kết quả cuối năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư