Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Rốt ráo tìm nguồn nhập than
Thế Hoàng - 10/04/2022 08:32
 
Theo tính toán, Việt Nam cần nhập khẩu từ 18 đến 25 triệu tấn than trong năm nay để phục vụ ngành điện, sản xuất phân bón.
Ảnh minh họa
Dự kiến, Việt Nam sẽ nhập khoảng 5 triệu tấn than từ Australia.

Cần nhập 18 đến 25 triệu tấn than

Trước sự cấp thiết đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện, phân bón, xi măng…, trong tuần đầu tháng 4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có 3 cuộc làm việc với đại diện các nhà cung cấp than của Australia, Nam Phi… để tìm kiếm nguồn than nhập khẩu.

Tại buổi kết nối nhập than với Hội đồng Khoáng sản Australia hôm 5/3, người đứng đầu ngành công thương cho biết, Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18 đến 25 triệu tấn than phục vụ hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022.

Dự kiến, Việt Nam sẽ nhập khoảng 5 triệu tấn than từ Australia. Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định, Australia có đủ năng lực sản xuất, khai thác, chế biến... để cung cấp than cho Việt Nam.

Trước đó, trong buổi làm việc với Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Đại sứ hỗ trợ giới thiệu, kết nối các đối tác tiềm năng của Nam Phi trong lĩnh vực than, khoáng sản với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam để đưa các chuyến hàng than về Việt Nam ngay trong tháng 4 và tháng 5/2022.

Bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Australia cho biết, Australia có đầy đủ năng lực cung cấp than và khoáng sản cho nhu cầu của Việt Nam.

Hội đồng Khoáng sản Australia có 77 hội viên đầy đủ và 34 hội viên liên kết. Các hội viên của Hội đồng chiếm 75% tổng sản lượng khai thác và 80% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành khoáng sản của Australia.

Hiện nay, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng đã ký. Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp, nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát điện.

Các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 - 70% công suất; Nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia đang thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than.

Các đơn vị cung cấp than lớn gồm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc dù tăng khai thác từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng tình hình cân đối cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4/2022 hiện hữu.

Trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc

Trong khi đó, nhu cầu than cho sản xuất xi măng cũng rất cấp bách. Tập đoàn Xi măng The Vissai cho hay, nguồn than phục vụ sản xuất của doanh nghiệp đều phải nhập khẩu. Hiện giá than nhập khẩu rất cao, nhưng cũng không dễ nhập, do “tác động kép” từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài và xung đột Nga - Ukraine đẩy cước vận tải biển tăng phi mã, việc thuê tàu vận chuyển gặp khó khăn.

Việt Nam chủ yếu nhập than từ Indonesia, Nga, Australia…, nhưng từ đầu năm đến nay, việc nhập than từ Indonesia gặp khó khi nước này hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung than nguyên liệu cho các nhà máy điện than, ngăn ngừa rủi ro thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở trong nước. Bộ Đầu tư của Indonesia cũng đã quyết định thu hồi 180 giấy phép kinh doanh khoáng sản của 165 doanh nghiệp kinh doanh than và khoáng sản trong nước.

Nguồn cung từ Nga cũng ngày một khó hơn do tình hình địa chính trị căng thẳng. Do đó, nguồn cung từ Australia, Nam Phi đang được xem là khả thi do năng lực khai thác và xuất khẩu than đá của các nước này khá lớn. Hơn nữa, Australia còn là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi trong giao dịch nhập khẩu từ thị trường này.

Áp lực lớn

Nguồn cung than trong nước có hạn, trong khi nhu cầu tiêu dùng than ngày càng lớn để phục hồi sản xuất sau đại dịch. Riêng ngành xi măng với quy mô sản xuất khoảng 110 triệu tấn trong năm 2022, nhu cầu than cám (chủ yếu là than cám 3, 4) phục vụ sản xuất lên tới hàng chục triệu tấn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lương Quang Khải, chuyên gia ngành xi măng cho biết, định mức than cho sản xuất xi măng hiện vào khoảng 150 - 155 kg than/tấn xi măng. Những năm gần đây, nhiều nhà máy xi măng đã nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới, hiệu chỉnh công nghệ, sử dụng chủng loại than phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả hơn, nhưng vì công suất sản xuất xi măng năm sau đều tăng hơn năm trước, kéo nhập than cũng tăng theo.

Không riêng các nhà máy nhiệt điện hay ngành xi măng, ngành hóa chất cũng là hộ tiêu thụ than lớn, đẩy tốc độ phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cứ có nhu cầu, có ngoại tệ là dễ dàng nhập khẩu. Năm 2021, nước ta nhập khẩu 35,8 triệu tấn than các loại, trị giá 4,323 tỷ USD. So với năm 2020, giá than nhập khẩu năm 2021 tăng rất mạnh, nên dù sản lượng nhập năm 2021 giảm 19 triệu tấn so với năm 2020, nhưng tổng trị giá đã tăng thêm hơn nửa tỷ USD.

Bước sang quý I/2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu than tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, dù sản lượng giảm tới 25%. Cụ thể, tổng lượng than nhập khẩu là gần 6,5 triệu tấn, trị giá 1,467 tỷ USD, giảm 25% về lượng, nhưng tăng 97,3% về trị giá so với quý I/2021.

Giá than nhập khẩu bình quân trong quý I/2022 khoảng 228,5 USD/tấn, tăng tới 170% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá than nhập khẩu tăng cao và việc nhập khẩu than gặp khó khăn đang gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước cũng như các doanh nghiệp.

Việt Nam tăng lượng nhập khẩu than đá, quặng và khoáng sản từ Australia
Sau 1 năm Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Australia hơn 1 tỷ USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư