Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Rốt ráo xử lý dự án Khu công nghiệp chậm triển khai
Nguyên Đức - 15/11/2015 08:50
 
Cuối tháng 10/2015, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long III Vĩnh Phúc, với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD, giải tỏa được nỗi lo về một KCN bỏ hoang gần chục năm.
Không ít Dự án khu công nghiệp bỏ hoang nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận 	ảnh: đ.t
Không ít dự án khu công nghiệp bỏ hoang nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Đ.T

Với dự án vừa được cấp phép của Tập đoàn Sumitomo, niềm vui được nhân đôi, bởi thêm một dự án KCN do một nhà đầu tư có uy tín triển khai là một chuyện, chuyện khác là với dự án này, Vĩnh Phúc đã giải tỏa được nỗi lo KCN Bình Xuyên 2 đã 7 - 8 năm nay bỏ hoang, gây bức xúc cho người dân quanh vùng.

Trước đây, dự án này do Tập đoàn Foxconn đầu tư, nhưng rồi chậm triển khai, không thu hút được nhà đầu tư thứ cấp, nên bỏ hoang và cuối cùng là “xin trả lại” cho tỉnh phần lớn diện tích. Năm ngoái, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát lại tình hình hoạt động của các KCN trong cả nước, Bình Xuyên II nằm trong danh mục các KCN đã thu hồi hoặc đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng năm nay, với sự xuất hiện của Sumitomo, hướng đi của KCN này đã được giải quyết.

Trung tuần tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc giảm diện tích KCN Bình Xuyên II xuống 393 ha, đồng thời tách thành hai KCN độc lập, bao gồm: KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha) và Bình Xuyên II (180 ha). KCN Thăng Long Vĩnh Phúc do Sumitomo đầu tư, phần còn lại, Foxconn vẫn thông qua công ty con của mình là Fuchuan để đầu tư.

Cũng nằm trong danh mục này, KCN Bá Thiện của Vĩnh Phúc cũng đã được thu hồi từ nhà đầu tư Compal để tỉnh quản lý trực tiếp trong thời gian chờ đợi tìm kiếm nhà đầu tư thay thế.

Tương tự như vậy, trước đó không lâu, KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương) đã chính thức được VSIP tiếp quản triển khai. Hiện nhà đầu tư thành công bậc nhất trong phát triển KCN ở Việt Nam này đang tích cực “hồi sinh” KCN đã án binh bất động nhiều năm qua. Sau khi VSIP nhận chuyển nhượng lại từ Công ty Phúc Hưng, đã có những nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên triển khai dự án ở đây. Đơn cử, Dự án Regina Miracle International (Hồng Kông), vốn đầu tư 88 triệu USD, được cấp chứng nhận đầu tư từ đầu tháng 7/2015.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, việc rà soát các KCN chậm triển khai trong cả nước đã được rốt ráo giải quyết. Vụ việc của KCN Bình Xuyên II, hay Cẩm Điền - Lương Điền chỉ là những ví dụ điển hình.

“Chúng tôi đang đề nghị một số địa phương tiếp tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án KCN chậm triển khai”, lãnh đạo Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Cụ thể, Bộ đã yêu cầu UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hai KCN Nam Cam Ranh (Khánh Hòa) và Du Long (Ninh Thuận) và tìm kiếm chủ đầu tư khác có năng lực đầu tư hạ tầng KCN.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang thúc đẩy các địa phương quyết liệt xử lý các dự án KCN Bắc Thường Tín (429 ha) và KCN Phụng Hiệp (175 ha), chưa triển khai do quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Tín (Hà Nội) và quy hoạch xây dựng đường vành đai IV đi qua KCN Phụng Hiệp chưa được phê duyệt; cũng như KCN Long Sơn (850 ha) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do chậm triển khai vì Dự án Nhà máy Lọc dầu số 3 chậm tiến độ, dự án kho ngầm xăng dầu chưa thu xếp được nguồn vốn…

Không chỉ với các dự án chậm triển khai, mà nhóm KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp (dưới 30%) ở các tỉnh Sơn La, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hòa Bình, Kiên Giang, Cao Bằng…, cũng đang được “thúc” mạnh.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương này cần đặc biệt tập trung giải quyết và xử lý vướng mắc, khó khăn của các KCN, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chú trọng công tác thu hút đầu tư để nâng cao tỷ lệ lấp đầy KCN…

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển các KCN, khu kinh tế (KKT) mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp để rà soát, có hướng xử lý đối với các dự án chậm triển khai hoặc dự án có tỷ lệ lấp đầy thấp.

Trong khi đó, liên quan đến việc phát triển các KKT cửa khẩu, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý lựa chọn 8 KKT ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư