Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Rủi ro đã lớn hơn, cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ phục hồi
Khánh An thực hiện - 23/03/2022 08:18
 
Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cần chấp nhận những rủi ro nhỏ trong thực thi cơ chế, chính sách, đặt trọng tâm vào hiệu quả tổng thể và tốc độ triển khai.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.


Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023, với yêu cầu các bộ, ngành hoàn thành dứt điểm nhiều công việc được giao. Ông nhìn nhận tốc độ thực thi Chương trình cho tới thời điểm này thế nào?

Tiến độ triển khai đã tốt hơn rất nhiều, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng, triển khai Chương trình. Ví dụ mới nhất là Chính phủ đã ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.

Hay việc thực thi gói hỗ trợ cấp bù lãi suất sẽ trên cơ sở Nghị định, chứ không cần thông tư hướng dẫn như kế hoạch ban đầu… Việc xử lý cú sốc giá xăng dầu với sự vào cuộc của Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan cũng rất quyết liệt. Trong Công điện, Thủ tướng đã đốc thúc các bộ, ngành để hoàn tất các văn bản pháp lý, làm cơ sở cho việc thực thi các giải pháp cụ thể.

Nhưng mong muốn thì vẫn muốn nhanh và quyết liệt hơn. Vì bối cảnh đang thay đổi rất nhanh, nếu cầu toàn, sẽ không chỉ chậm trễ, mà có thể mất đi thời điểm tốt nhất.

Tốc độ phục hồi chậm lại của kinh tế thế giới, lạm phát gia tăng, chiến sự căng thẳng đang làm thay đổi điều kiện thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Rủi ro, thách thức đã lớn hơn rất nhiều so tháng 1/2022, thời điểm Quốc hội, Chính phủ chốt các giải pháp cụ thể của Chương trình. Quan điểm của ông về tình hình này?

Phải nói rõ, rủi ro, thách thức và cả áp lực từ việc thực hiện các giải pháp, các gói hỗ trợ tới lạm phát đã được tính đến khi Chương trình được đưa ra. Ví dụ, khi đó, giá xăng dầu tăng, áp lực từ đứt gãy chuỗi cung ứng, thách thức từ khả năng hồi phục chậm lại của kinh tế thế giới đều đã được nhắc đến.

Nhưng cuộc chiến, các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nước phương Tây và Nga không chỉ làm trầm trọng thêm các đứt gãy cũ, mà còn gây nên đứt gãy mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất nhiên, điều kiện hiện tại xấu hơn trước, nhưng quan điểm của tôi là, nếu không thực hiện rốt ráo, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, thì khó khăn của nền kinh tế sẽ lớn hơn.

Song việc thực hiện cần phải thay đổi, theo nghĩa điều kiện có nhiều “bất thường” thì phải có khác biệt trong đưa ra chính sách và triển khai thực hiện.

Ví dụ, đối tượng giữ vai trò trung tâm của gói chính sách phục hồi kinh tế là doanh nghiệp, thì việc xây dựng, triển khai chính sách phải hướng vào mục tiêu để doanh nghiệp tiếp cận, tận dụng được chính sách, hướng vào hiệu quả chung của Chương trình… để thực thi, chứ không ngại khó, ngại trách nhiệm, sợ rủi ro mà đưa ra điều kiện, quy trình, thủ tục làm khó doanh nghiệp. Tình trạng này đã từng xảy ra khi thực hiện các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020, thời điểm dịch bệnh mới xuất hiện.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không cẩn trọng, nguy cơ lạm dụng chính sách sẽ cao?

Nguy cơ lạm dụng chính sách có, vì chính sách hỗ trợ không dành cho tất cả, nên có thể có những đối tượng không thuộc diện hỗ trợ tìm cách được tham gia. Nhưng cũng như rủi ro trong kinh doanh, doanh nghiệp phải chấp nhận, thì trong xây dựng chính sách, cũng cần xác định tư duy này, vì không ai nói được là các cơ chế, quy định có thể phòng ngừa, bao quát hết được các ngóc ngách của cuộc sống.

Nếu cầu toàn quá, hay đòi hỏi không có bất cứ sai sót nào, thì rất khó đạt được tốc độ. Quan điểm của tôi là cần chấp nhận rủi ro, sai số nhất định và đi kèm đó là công khai, minh bạch điều kiện, tiêu chí cơ chế giám sát, kiểm soát song hành, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót, va vấp, vi phạm...

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, yếu tố thực tế vô cùng quan trọng. Ví dụ, nguyên tắc không hạ chuẩn cho vay của năm 2022, sau 2 năm vất vả với Covid-19, phải khác với chuẩn cho vay năm 2019, nếu áp như nhau thì rất khó cho thực thi.

Việc Chính phủ đề xuất giảm mức phí bảo vệ môi trường cho xăng dầu kéo dài đến ngày 31/12/2022 có vẻ khá cứng nhắc, vì có thể tháng 6, tháng 7, thị trường xăng dầu thay đổi tích cực, giá xăng dầu ổn định, có thể dừng sớm… Hay tại sao không áp dụng chính sách này ngay khi được thông qua, mà phải đợi đến ngày 1/4/2022.

Thời điểm này, không phải ban hành chính sách theo kiểu đóng đinh đóng cột cho 2-3 năm, vì điều kiện thay đổi quá nhanh. Đây là bài học từ việc thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp từ năm 2020 đến nay.

Tôi vẫn nhấn mạnh vào quan điểm, không thể cầu toàn, phải chấp nhận những rủi ro nhỏ, để đặt trọng tâm vào tổng thể và tốc độ triển khai.

Với thách thức lớn hơn của nền kinh tế, của doanh nghiệp, ông có cho rằng, cần có những giải pháp hỗ trợ?

Hai tháng trước, chúng ta vẫn nói đến khả năng phục hồi nhanh, nhưng giờ tốc độ có thể không được như kỳ vọng và cũng chưa thể nói trước gì khi tình hình ngày càng bất định. Tăng trưởng của các đối tác lớn của Việt Nam giảm nữa, thậm chí có dự báo đình đốn và lạm phát cao tùy thuộc vào độ ngấm đòn của các đòn trừng phạt giữa Nga và các nước phương Tây.

Các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tùy phân khúc, ngành hàng. Ví dụ, du lịch quốc tế mở lại nhưng bối cảnh chiến sự thế này cũng là thách thức lớn. Tắc nghẽn, đứt gãy vận chuyển, giá logistics tăng cao tiếp tục là bài toàn khó.

Tất nhiên, doanh nghiệp sẽ phải đổi mới, sáng tạo liên tục, như đã làm trong 2 năm qua. Nhưng cũng cần đặt lên bàn các kịch bản để tính toán thêm các giải pháp hỗ trợ, cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023.

Mục tiêu là không phá vỡ ổn định vĩ mô, không để lạm phát dềnh lên quá mức, nhưng cũng không cứng nhắc để chậm các kế hoạch.

            

Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, nợ công dưới mức cảnh báo, giữ vững ổn định kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư