Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Kỳ Thành - Đức Thanh - 21/02/2022 10:05
 
Sáng nay (21/2), Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Đức Thanh)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sự tham dự và sẽ có bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện tinh thần hành động quyết liệt của Chính phủ và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng, là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và đợt bùng phát dịch tại nhiều địa phương của Việt Nam đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề, tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Trước bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược ứng phó dịch bệnh Covid-19 theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp, như quy định việc duy trì sản xuất, kết hợp phòng, chống dịch của các doanh nghiệp, lưu thông hàng hóa, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hỗ trợ người lao động… nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động; đồng thời, ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực, nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định…

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, với gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 3,2% so với năm 2020, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Về đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2022 - là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đức Thanh)

Bộ trưởng cũng cho biết, với tinh thần làm việc quyết liệt, không ngừng nghỉ, vào 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Do vậy, với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Bộ trưởng kỳ vọng diễn đàn hôm nay sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hàng trăm đại diện doanh nghiệp, hiệp hội tham dự diễn đàn (Ảnh: Đức Thanh)

Đánh giá những kết quả tích cực đã đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, song theo  bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, Việt Nam bước vào năm 2022 với không ít thách thức, như tốc độ tăng trưởng giảm, năng suất bị ảnh hưởng, sự đứt gãy của chuỗi giá trị cung ứng, biến đổi khí hậu, sự gia tăng của các khoản vay có nguy cơ ảnh hưởng đến mô hình tăng trưởng quốc gia. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi chiến lược để có nền tảng tốt hơn.

Bà cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần thảo luận để làm sao nâng quy mô FDI, liên kết, tham gia giữa các doanh nghiệp FDI và trong nước để gia tăng chuỗi cung ứng. Các trụ cột là đổi mới, tăng cường số hóa, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, thu hẹp khoảng cách của lực lượng lao động, thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững.

Ghi nhận những cam kết mạnh mẽ về trung hòa các-bon tại Hội nghị COP26 của Việt Nam, bà Amy Luinstra cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam hợp tác, thúc đẩy khu vực tư nhân, FDI tăng cường nâng cao công nghệ.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, việc thực hiện các mục tiêu trong năm 2022 là đầy thách thức. Ông Phạm Tấn Công hi vọng, những thảo luận tích cực, xây dựng từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin đầu vào hữu ích để hỗ trợ Chính phủ thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian tới.

VBF: Dư địa hợp tác, đầu tư kinh tế số rất rộng mở
Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo, vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực CNTT đạt 4 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư