Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Rủi ro nhưng thanh toán bằng tiền mặt vẫn tăng
Thùy Vinh - 29/11/2019 14:08
 
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gian qua lên 21%, nhưng vẫn có tới 79% các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt.

Phát biểu tại Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2019, do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 28/11 tại TP HCM, ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam & ASEAN, tỷ lệ thanh toán tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn cao, lên tới 79%, còn tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt chỉ có 21%.

Đồng thời trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua thẻ chiếm tỉ lệ rất cao, các hình thức thanh toán khác như QR code, ví điện tử vẫn còn thấp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được chỉ ra một phần là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu.

Tỷ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính chính thức thuộc diện tương đối cao nhưng vẫn còn nhiều hình thức vay mượn không chính thức; tài chính kỹ thuật số chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp.

Fintech tại thị trường Việt Nam nhiều, nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác. Internet góp phần thúc đẩy phát triển giải pháp thanh toán tại Việt Nam, nhưng việc sử dụng tài khoản để thanh toán vẫn còn thấp, đa số các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt.

Trong khi đó, liên quan đến hoạt động thanh toán, thống kê của NHNN cho biết, số người có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số.

Đến hết tháng 9-2019, Việt Nam có 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn các đơn vị này cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử.

Bên cạnh các công ty fintech, 24 ngân hàng cũng đã cung cấp dịch vụ thanh toán QR code với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Cùng với đó là 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động.

Tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; giá trị giao dịch đạt 9.506 nghìn tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ; tổng lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 169,86 triệu lượt, tăng 109,48% so với cùng kỳ, giá trị giao dịch đạt 1,761 nghìn tỷ đồng, tăng 160,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, về tổng quan, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng mức bán lẻ vẫn còn thấp, bản thân việc phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế.

Vì thế ông Trần Thành Nam, Chủ tịch, Công ty cổ phần Công nghệ và dịch vụ MOCA cho rằng, thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người Việt theo đó cũng là ưu tiên hàng đầu trong việc thúc đẩy định hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, yêu cầu này cũng là một thách thức cực lớn, và không thể chỉ làm trong một vài ngày bởi một doanh nghiệp đơn lẻ, mà đòi hỏi các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán di động đều cần phải đầu tư, đổi mới liên tục để tuyên truyền lợi ích và khuyến khích người dân, các đơn vị chấp nhận thanh toán và doanh nghiệp thương mại lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn nữa.

Còn theo ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, kênh ngân hàng số sẽ giúp cho khách hàng gia tăng trải nghiệm trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt mà không cần đến quầy giao dịch.

Xu hướng này ngày càng phổ biến khi khách hàng ngày càng bận rộn và nhu cầu thanh toán điện tử, online diễn ra cả ngày, chứ không chỉ giờ hành chính như trước. Một trong những điểm nhấn được lãnh đạo Nam Á cho biết là sẽ đưa Robot vào các điểm giao dịch trong thời gian tới, để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Tuy nhiên, để sớm triển khai ngân hàng số thành công, các ngân hàng vẫn đang chờ cơ sở pháp lý, rõ ràng từ Ngân hàng Nhà nước. Theo ông Cường, cơ quan quản lý cần sớm ban hành văn bản pháp lý cho phép ngân hàng triển khai mở tài khoản online kết hợp eKYC (định danh điện tử khách hàng); mô hình ngân hàng đại lý nhằm phục vụ rộng rãi khách hàng. 

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho biết, các khảo sát gần đây cho thấy khách hàng của công ty fintech đã thay đổi đáng kể trong 5 năm qua dù các dịch vụ thanh toán chiếm khoảng hơn 70%. Thị phần dịch vụ thanh toán giữa fintech cũng cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng thương mại truyền thống.

Sức ép cạnh tranh để giữa thị phần trên thị trường đặt các ngân hàng thương mại trong bài toán phải thay đổi, trong đó, chuyển đổi số là giải pháp được nhiều ngân hàng lựa chọn nhằm tạo sức cạnh tranh, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đó là vấn đề quản trị an ninh mạng và bảo mật thông tin. "Từ đầu năm đến nay, Việt Nam có khoảng 1.400 vụ tấn công an ninh mạng, tăng hơn 100% so với năm ngoái. Trong khi đó, chỉ có khoảng 25-30% doanh nghiệp biết được nhà mình có nguy cơ bị tấn công. Qua đó, có cho thấy việc đầu tư quản trị an ninh mạng còn hạn chế", TS Lực nhấn mạnh.

Ngân hàng sẽ hợp tác với các công ty Fintech hướng đến “thanh toán không tiền mặt”
Theo số liệu khảo sát các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện, 100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư