Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
"Rừng" trong khu công nghiệp
Thu Lê - Thanh Sơn - 24/06/2023 15:24
 
Dành trên 30% diện tích cho cây xanh và cảnh quan, Khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền giống như một khu rừng thu nhỏ với sự đa dạng về sinh học, cùng hệ sinh thái tuần hoàn, khép kín.
KCN Nam Cầu Kiền được bao phủ bởi những mảng xanh với tỷ lệ cây xanh lên đến trên 31%

Chọn lối đi riêng

“Đầu năm 2008, tôi vô cùng xúc động khi bất ngờ nhận được lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đề ngày 15/1/2008. Lúc đó, tôi không tin vào mắt mình, bởi tôi chỉ là một lãnh đạo doanh nghiệp trẻ và không có quan hệ thân thích gì với Đại tướng”, doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) nhớ lại.

Ông Điệp kể, sau khi nhận được bức thư này, ông mới biết, do có lần Đại tướng nghe đài, thấy nói về một doanh nhân trẻ tên là Phạm Hồng Điệp ở Hải Phòng 3 lần đoạt giải Nhất toàn quốc về Đề án Bảo vệ môi trường, nên đã gửi thư động viên. Bởi theo Đại tướng, người làm kinh tế mà quan tâm bảo vệ môi trường là rất quý.

“Không chỉ một lần, tôi đã 2 lần nhận được thư động viên của Đại tướng”, ông Điệp tự hào. Ông bảo, đó là cơ duyên hiếm có và cũng là động lực để ông kiến tạo KCN Nam Cầu Kiền thành một KCN sinh thái như hiện tại.


Tự tin với hướng đi mới

- Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec

Khi chúng tôi bắt tay xây dựng KCN Nam Cầu Kiên, khái niệm về một KCN sinh thái hay KCN xanh chưa được nhắc đến tại Việt Nam. Tôi cùng đội ngũ chỉ tâm niệm làm sao thực hiện được lời dặn của Đại tướng.

Vậy nên, chúng tôi dành một phần diện tích lớn để trồng cây xanh, xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, công suất lớn để không ảnh hưởng đến môi trường và định hướng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hình thành mối quan hệ cộng sinh trong KCN.

Thời điểm năm 2008, Shinec đã hoạt động được 8 năm với tên gọi là Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Shinec. Cũng trong năm này, Shinec đã được trao giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng KCN Nam Cầu Kiền.

Khi mới bắt đầu, Shinec gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Đầu tư một KCN sinh thái đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn cũng chậm hơn, do hệ số sử dụng đất bị giảm, để dành quỹ đất cho cây xanh, cảnh quan. Việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp để hình thành các liên kết cộng sinh cũng đòi hỏi sự chọn lọc, không thể thu hút ồ ạt trong thời gian ngắn.

“Dục tốc thì bất đạt. Tôi hiểu được điều này, nên phải lấy ngắn nuôi dài bằng những mảng kinh doanh khác, kiên trì đi đến cùng để đạt được mục tiêu”, ông Điệp chia sẻ.

Như một xu thế tất yếu của quá trình phát triển, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững ngày càng được quan tâm và trở thành bức thiết.

Năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam. Dù không tham gia nhóm các KCN thí điểm xây dựng mô hình sinh thái, nhưng những hoạt động này đã được Shinec thực hiện từ lâu tại KCN Nam Cầu Kiền. Nhờ đó, đến năm 2018, khi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP được ban hành, KCN Nam Cầu Kiền đã cơ bản đạt được rất nhiều tiêu chí của KCN sinh thái theo nghị định này.

Cụ thể, diện tích dành cho các công trình cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung tại KCN Nam Cầu Kiền là 82,01 ha, chiếm tỷ lệ 31,1% (theo quy định hiện hành thì cần đạt 25%). Yếu tố cộng sinh công nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền cũng được hình thành với 3 nhóm chính, gồm: liên kết cộng sinh ngành luyện kim, cơ khí; liên kết cộng sinh ngành điện tử và phụ trợ điện tử; liên kết cộng sinh ngành sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Các nhóm cộng sinh này đã sử dụng tối đa vật liệu tái tạo theo hướng: chất thải từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này là đầu vào sản xuất của doanh nghiệp kia, nên không còn chất thải ra bên ngoài KCN.

Hiện nay, Nam Cầu Kiền là KCN đi đầu trong việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong phát triển công nghiệp. Trong đó, phải kể đến dự án điện áp mái nối lưới cho nhà xưởng trong KCN; tuần hoàn xử lý nước thải toàn bộ KCN quay trở lại thành nước cấp cho hoạt động sản xuất của nhà đầu tư, tạo thành hệ sinh thái tuần hoàn năng lượng trong KCN. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình này có thể giảm 5 - 10% chi phí sử dụng điện và 20% chi phí sử dụng nước sạch.

Sa hình Điện Biên Phủ với cây đa 37 gốc
Sa hình Điện Biên Phủ với cây đa 37 gốc

Để có màu xanh của “rừng”

Ông Điệp cho biết, toàn bộ diện tích đất thu hồi phục vụ Dự án KCN Nam Cầu Kiền chủ yếu là đất nông nghiệp, đất sông ngòi - thủy lợi. “Khi mục đích sử dụng đất bị thay đổi sẽ làm thay đổi môi trường đang tồn tại. Do đó, khi triển khai Dự án, chúng tôi luôn đau đáu việc phải trả lại cho đất sự cân bằng hệ sinh thái. Mỗi loại cây, con giống chúng tôi lựa chọn nuôi trồng trong KCN đều được tính toán kỹ để phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất, phải giúp cân bằng và làm phong phú hơn hệ sinh thái vốn có trước đây”, ông Điệp chia sẻ.

Đến nay, KCN Nam Cầu Kiền đã thiết lập một hệ sinh thái mới và trở thành trung tâm đa dạng sinh học với các hệ sinh thái phong phú, nguồn gen đa dạng. Trong KCN có hơn 250 loài hoa; hơn 500 loài cây xanh, cây bóng mát, cây trồng lâu năm; 100 loài cây ăn quả, hàng chục héc-ta thảm cỏ, cây bụi, cây xanh, mặt nước cùng hàng ngàn con cá các loại, như cá koi, cá trắm, cá rô…, các loài giáp xác, động vật thân mềm, tảo, vi khuẩn, côn trùng… Các tầng thực vật đã cung cấp môi trường sống độc đáo cho các loài sinh vật khác nhau, sinh trưởng và phát triển tốt, hài hòa với môi trường, tạo nên một khu rừng đa dạng sinh học thu nhỏ ngay trong KCN.

Mới đây, nhân ngày môi trường thế giới 5/6, Shinec đã khởi công xây dựng vườn Hà Lan nhằm tạo không gian xanh, mang đậm nét văn hóa Hà Lan cho cộng đồng doanh nghiệp giao lưu và nghỉ ngơi. Ngoài vườn Hà Lan đang được xây dựng, KCN Nam Cầu Kiền còn được biết đến với nhiều khu vườn lớn, lưu trữ sự đa dạng sinh học, như vườn Nhật Kyousei-no-niwa đã được công nhận Kỷ lục Việt Nam, vườn bách thảo.

Năm 2020, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục đối với KCN Nam Cầu Kiền với các hạng mục:

- Công trình Nhà máy Xử lý nước thải trong khuôn viên KCN thiết kế theo mô hình vườn Nhật đầu tiên tại Việt Nam.

- Khu vườn Nhật lớn nhất Việt Nam trong khuôn viên KCN.

- Vườn Kỷ vật - Khu lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khuôn viên KCN đầu tiên tại Việt Nam

Đặc biệt, trong KCN có sa hình Điện Biên Phủ Xanh với điểm nhấn là cây đa 37 gốc - mang ý nghĩa tượng trưng cho sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng - chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm ông 37 tuổi. Đây là cây đa mà Đại tướng đã gửi tặng doanh nhân Phạm Hồng Điệp vào năm 2010, gốc chính của cây đa được chuyển từ vườn nhà của Đại tướng.

Bên cạnh đó, trong KCN còn có Quảng trường cây đa Tân Trào với nhiều loại cây, như đa, sưa, đào, cọ... Không chỉ là những khu vườn riêng biệt, các tầng cây còn được bao phủ quanh các tuyến đường của KCN Nam Cầu Kiền.

Đi dạo dọc theo các tuyến đường nội bộ trong KCN, có thể thấy, các khoảng đất trống đều đã được xanh hóa bằng các thảm thực vật, từ thảm cỏ, đến khóm cây, với các loài cây ăn quả như mít, xoài… được đánh chuyển từ những khu vực đất được giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng KCN.

Con đường rợp bóng cây xanh trong KCN Nam Cầu Kiền
Con đường rợp bóng cây xanh trong KCN Nam Cầu Kiền

Hàng cây tầm trung gồm các cây phi lao có chiều cao 2 - 2,5 m được trồng ở vị trí sát hàng rào ngăn cách khu đất của các nhà đầu tư, hình thành một bức tường xanh giúp ngăn bụi từ các nhà xưởng, hạn chế tiếng ồn từ việc thi công hay xe cơ giới chạy qua.

Đối với tầng cây cao nhất, các loại cây được lựa chọn là keo, bàng Đài Loan, phượng tím, sấu, long não... Các loại cây này lớn nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc, giúp nhanh chóng tạo ra “lá phổi” xanh dọc các tuyến đường.

Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các Dự án chứa nhiều chất ô nhiễm ảnh hưởng tới hệ sinh thái, được KCN thu gom triệt để với hệ thống đường ống kín, chôn ngầm, được xử lý và kiểm soát hàng ngày. Đồng thời, nước thải được kiểm tra, giám sát thông qua bộ truyền dẫn hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục bởi cơ quan chuyên môn. Nước từ hệ thống có lưu lượng lớn hàng trăm mét khối một ngày được tận dụng lưu trữ, tạo hồ cảnh quan, đồng thời được tái sử dụng để nuôi cá. Các loài sinh vật, tôm, cá sống trong môi trường này đều phát triển khỏe mạnh, các cây trồng thủy sinh cũng sinh trưởng rất tốt.

“Kinh doanh trên đất - Trả lại cho đất” là triết lý mà doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã và vẫn đang thực hiện. Triết lý này đã giúp KCN Nam Cầu Kiền trở thành KCN xanh theo đúng nghĩa, tạo ra hệ sinh thái phong phú, tuần hoàn và khép kín như trong một khu rừng với hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, thu hút được những loài động thực vật khác đến một cách tự nhiên với vùng đất này. 

Chính nhờ những nỗ lực xanh hóa KCN, mà Nam Cầu Kiền đã khẳng định thương hiệu riêng, thu hút được các nhà đầu tư lớn và các doanh nghiệp tiên phong, đáp ứng các chiến lược của quốc gia trong phát triển kinh tế bền vững hơn, tạo cơ hội mở rộng thị trường trong tương lai. Không những vậy, nơi đây đã dần hình thành một “khu du lịch” ngày càng cuốn hút mọi người đến thăm.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được lựa chọn là mô hình điểm để nghiên cứu
Viện Sức khoẻ và Môi trường vì cộng đồng phối hợp với Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tổ chức Hội thảo Đánh giá khả năng thực hiện mô hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư