Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Rượu rởm và hậu quả khôn lường
Dương Ngân - 06/02/2023 14:31
 
Từ mùng 3 Tết đến nay, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc rất nặng do methanol. Trong dịp trước Tết, bệnh viện này cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp.
Methanol đang đe dọa tính mạng của không ít “ma men”
Methanol đang đe dọa tính mạng của không ít “ma men”

Rượu rởm hoành hành

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp (methanol) đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho gần chục ca ngộ độc methanol.

Gần đây nhất, chiều 2/2, cơ sở này đã tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi ở Vĩnh Phúc bị ngộ độc methanol và tử vong sau một ngày nhập viện. Nhiều bệnh nhân khác đang điều trị tại đây trong tình trạng tiên lượng nặng. Đặc biệt, có bệnh nhân ngộ độc do uống nhầm cồn công nghiệp tẩy rửa do sự giống nhau về nhãn mác.

TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, trong những ngày vừa qua, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc methanol với nhiều hình thức khác nhau, như uống rượu rởm, uống cồn sát trùng rởm.

Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai dự báo, từ nay đến hết tháng 2, thậm chí sang tháng 3, sẽ còn nhiều vụ ngộ độc rượu nhập viện khi người dân còn vui Xuân.

Bác sĩ cũng cảnh báo về ngộ độc do uống nhầm cồn sát trùng khi vừa có 1 ca tử vong. Thực tế, đang tồn tại các sản phẩm cồn sát trùng rởm chứa methanol hoặc các chai hóa chất lau chùi hoặc làm nhiên liệu, nhưng lại được đóng chai và bán nhập nhèm gây nhầm lẫn với cồn sát trùng.

Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Các loại cồn rởm này khi đưa vào sử dụng sát trùng sẽ không có tác dụng và không thể bảo vệ người dân trước nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời khi sát trùng, methanol lại ngấm qua da vào cơ thể và nguy cơ gây ngộ độc. Các cơ sở y tế hiện nay rất dễ dàng mua phải các loại cồn rởm này về sử dụng cho bệnh nhân, do giá rẻ, nên rất dễ trúng thầu. Hậu quả là biết bao bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải phẫu thuật, trẻ sơ sinh… sẽ phải chịu hậu quả.

Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở, co giật, hôn mê.

Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Tránh những cái chết thương tâm

Để phòng tránh ngộ độc methanol, theo bác sĩ Nguyên, đầu tiên là khâu quản lý hóa chất. Do methanol là hóa chất nhập khẩu hoặc sản xuất công nghiệp lớn, nhưng đã bị đưa ra ngoài vào tay kẻ xấu, thậm chí nhiều công ty sản xuất - kinh doanh bất chính. Đây chính là công việc của các cơ quan chức năng. Các cơ quan này cần có quy định các hiệu thuốc không được bán các loại hoá chất độc hại như hoá chất tẩy rửa, hoá chất đốt, cồn công nghiệp; không được đóng chai gây nhập nhèm giống với cồn sát trùng; các chai hoá chất phải có hình thức khác và có nhãn mác rõ ràng để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nguyên, người dân nên hạn chế uống rượu và khi mua rượu uống hoặc mua cồn sát trùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thông tin trên nhãn mác cụ thể, rõ ràng và đầy đủ về thành phần, công dụng và nhà sản xuất.

Trước tình hình các vụ ngộ rượu gia tăng trên phạm vi toàn quốc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt các cơ sở nấu rượu thủ công. Việc này nhằm ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị tăng cường thông tin, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.

Tin mới về y tế ngày 2/2: Tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc rượu; Hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng 2023
Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 173/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư