Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á, VN-Index lội ngược dòng bật tăng
Tùng Linh - 02/08/2024 17:44
 
VN-Index bật tăng tới gần 30 điểm từ mức thấp nhất trong ngày. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu như chứng khoán, thép, bán lẻ, ngân hàng… dậy sóng kéo chỉ số chung hồi phục trở lại bất chấp những diễn biến xấu tại các sàn chứng khoán châu Á.

​​

Khối ngoại mua ròng mạnh
Khối ngoại mua ròng mạnh trên sàn chứng khoán Việt Nam trong phiên 2/8

Sắc xanh hiếm hoi giữa làn sóng bán tháo trên thị trường cổ phiếu toàn cầu

Sau phiên giao dịch đầu tháng 8 giảm sâu về điểm số đi kèm khối lượng giao dịch tăng mạnh, áp lực bán đã xuất hiện ngay từ đầu phiên. Diễn biến giao dịch vẫn tiêu cực khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Các chỉ số giao dịch ở dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên.

Cùng đó, hôm nay là thời điểm các quỹ ETF nội thực hiện giao dịch để hoàn tất việc cơ cấu danh mục đầu tư đối với các quỹ ETF sử dụng chỉ số của sàn HoSE như VN30, VNDiamond, VNFinLead… làm chỉ số tham chiếu. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ đã xảy ra ở nửa sau của phiên chiều. Lực cầu bất ngờ dâng cao và giúp hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu hồi phục, các chỉ số vì vậy cũng hồi phục theo. VN-Index thậm chí đảo chiều và đóng cửa ở mức cao nhất phiên, từ mức giảm khoảng 16 - 17 điểm thì cuối phiên chốt tăng gần 10 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,64 điểm (0,79%) lên 1.236,6 điểm. Toàn sàn có 267 mã tăng, 160 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,33 điểm (1,02%) lên 231,56 điểm. Toàn sàn có 94 mã tăng, 71 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (0,27%) lên 93,77 điểm.

Chứng khoán Việt Nam là sắc xanh hiếm hoi của thị trường chứng khoán châu Á phiên hôm nay. Sắc đỏ cũng đã lan rộng toàn cầu khi các sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới đều lùi sâu. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất, chiếm 10,3% nền kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức 46,8 trong tháng 7 từ mức 48,5 của tháng 6, do số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Đây cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 11/2023. Điều này cũng cho thấy ngành sản xuất đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi phục hồi mạnh mẽ trong quý II. Dữ liệu yếu hơn từ nền kinh tế số một thế giới dự kiến ​​đã làm dấy lên mối lo ngại về sự suy thoái kinh tế. 

Hàng loạt sàn chứng khoán châu Á bị bán tháo mạnh trong phiên 2/8. Sàn chứng khoán Nhật Bản đã có ngày tồi tệ nhất trong gần bốn năm. Chỉ số Nikkei 225 kết phiên giảm 2.182 điểm, tương ứng giảm 5,27%, đóng cửa ở mức 35.917 điểm. Đây cũng là mức thấp nhất của chỉ số sàn chứng khoán Nhật Bản trong gần sáu tháng trở lại đây. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tuần này đã công bố quyết định tăng lãi suất chính sách lên 0,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008 và dự kiến giảm lượng trái phiếu mua hàng tháng xuống còn khoảng 3.000 tỷ yên mỗi tháng trong quý đầu tiên của năm 2026. Quyết định trên một mặt giúp đồng yên Nhật hồi phục sau khi đã mất giá mạnh giai đoạn gần đây, một mặt các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Nhật Bản, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán. 

Một loạt sàn chứng khoán châu Á khác cũng giảm mạnh như chỉ số chứng khoán Hàn Quốc - KOSPI (-3,67%), chứng khoán Đài Loan (-4,43%), Hồng Kông hay Úc đều giảm 2,08%.

Cổ phiếu chứng khoán "dậy sóng", điểm tựa khối ngoại kéo thị trường

Nhóm chứng khoán có dấu hiệu tạo đáy khi giảm trước thị trường và hồi phục mạnh trở lại ở phiên hôm nay. Trong đó, BSI, CTS và FTS được kéo lên mức giá trần. MBS tăng đến hơn 6%, AGR tăng 4,9%, VGS tăng 4,6%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng ghi nhận nhiều mã hồi phục tốt sau khi bị bán rất mạnh ở 1 – 2 phiên vừa qua. Dẫn đầu là TVN tăng 11%, VGS tăng 5,9%, HSG tăng 2,9%, NKG tăng 2,8%, HPG tăng 2%.

Trong nhóm VN30, 22/30 mã chứng khoán tăng giá, áp đảo số mã giảm (6/30). Cổ phiếu của BIDV (BID) tăng 2% và là mã có đóng góp lớn nhất trong việc giúp VN-Index đảo chiều. Cổ phiếu này góp cho VN-Index 1,32 điểm. Tiếp sau đó, GVR tăng 3% và góp 0,92 điểm. Các cổ phiếu như TCB, HPG, PLX… cũng đều tăng giá tốt ở phiên hôm nay. Dù nằm ngoài VN30 nhưng với mức tăng trần lên 22.050 đồng/cp, HVN cũng là mã có ảnh hưởng lớn thứ 5 đến VN-Index khi đóng góp 0,75 điểm.

VCB ghìm lại đà tăng chung của VN-Index 

Chiều ngược lại, VCB sau một vài phiên làm trụ đỡ tốt cho thị trường đã đảo chiều giảm phiên hôm nay (-2,21%). Chỉ riêng cổ phiếu này đã lấy đi đến 2,71 điểm của VN-Index. Giá cổ phiếu FPT giảm 1,28%, cũng đóng góp 0,57 điểm giảm vào chỉ số chung. Theo ước tính của nhiều công ty chứng khoán, FPT là cổ phiếu bị bán mạnh nhất trong kỳ cơ cấu của các quỹ ETF nội lần này. Ngoài ra, các cổ phiếu như VHM, LPB, VRE… cũng có tác động xấu đến VN-Index.

Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, DBC gây chú ý khi tăng trần lên 28.050 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu như NTL, DGW, DCM, VIX… đều có sự hồi phục tốt trở lại.

Tổng khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ đạt 696,66 tỷ đồng, giảm 22% so với phiên trước, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 16.387 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.139,9 tỷ đồng và 1.060 tỷ đồng. VIX là mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 24,8 triệu đơn vị. SHB và MBB khớp lệnh lần lượt 24,4 triệu đơn vị và 23,8 triệu đơn vị.

Khối ngoại mua ròng mạnh trong phiên 2/8

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 740 tỷ đồng ở phiên hôm nay. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã VNM với 300 tỷ đồng. MSN và DGC được mua ròng lần lượt 61 tỷ đồng và 59 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIX bị bán ròng mạnh nhất với 44,4 tỷ đồng. VHM và DXG bị bán ròng lần lượt 40 tỷ đồng và 34,5 tỷ đồng.

Để có nhiều hơn những “viên ngọc sáng” trên sàn chứng khoán
Sau 24 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ mở rộng về quy mô, mà còn trở thành kênh dẫn vốn, đồng hành cùng sự phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư