Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Sẵn sàng điều kiện để tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
D.Ngân - 25/10/2021 16:59
 
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình dịnh Covid-19 và nguồn cung ứng vắc-xin trên địa bàn để tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi.

Trong Công điện số 1675 về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan lập kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình đã được Bộ Y tế hướng dẫn tại Công văn số 8688/BYT-DP ngày 14/10.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình dịnh Covid-19 và nguồn cung ứng vắc-xin trên địa bàn để tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi.

Các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình dịnh Covid-19 tại địa phương và nguồn cung ứng vắc-xin để tổ chức tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành khẩn trương tiêm chủng bao phủ cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Các địa phương phải đảm bảo sử dụng vắc-xin nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ trong thời gian sớm nhất với nhóm nguy cơ để có thể từng bước mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và phân bổ hơn 97 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, một số tỉnh, thành phố đã được phân bổ vắc-xin với số lượng đủ để tiêm 2 mũi cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia cho biết đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 74 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, ngày hôm qua, cả nước đã tiêm 1.090.800 liều.

Việt Nam đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, trong đó có những tỉnh, thành đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 cao trên 95% như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh, Quảng Ninh...

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 60% là Long An (95,95%), Quảng Ninh (90,1%), TP.HCM (80,4%), Bình Dương (75,02%) và Hà Nội (61,84%).

Năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Nam Định (29,46%), Gia Lai (31,18%), Đắc Lắk (35,73%), Thanh Hóa (38,83%) và Thái Nguyên (39,15%).

Mười địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (tính theo số mũi tiêm/số vắc-xin phân bổ) cập nhật đến sáng 25/10 là Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bình Phước, Cao Bằng, Sơn La, Bạc Liêu, Thái Bình, Điện Biên, Nghệ An, Hà Nội.

Ngoài ra, 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất là Quảng Bình, Kiên Giang, Đắk Nông, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Đắk Lắk, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Định

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 8 loại vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Các loại vắc-xin được phê duyệt sử dụng hiện nay gồm: AstraZeneca; Sputnik V; Vero Cell; Pfizer/BioNTech; Moderna; Janssen; Hayat-Vax và Abdala.

Tuy nhiên, trong số 8 loại này, chỉ có vắc-xin Abdala của Cuba được khuyến cáo tiêm 3 liều. Các vắc-xin còn lại được chỉ định tiêm 2 liều với khoảng cách giữa các liều tùy thuộc từng loại.

Cụ thể, theo hướng dẫn sử dụng mới nhất của Bộ Y tế ngày 22/10, vắc-xin Covid-19 Abdala chỉ định tiêm phòng cho người từ 19 đến 65 tuổi. Lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày, mỗi liều 0,5 ml tiêm bắp.

Vắc-xin chống chỉ định cho người dưới 19 tuổi, người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin (bao gồm cả thiomersal).

Về tiêm chủng đồng thời, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ không có thông tin về sự tương tác của vắc-xin Abdala với các loại khác.

Trường hợp cần thận trọng khi tiêm vắc-xin Abdala bao gồm:

Người mắc bệnh mạn tính, tự miễn dịch hoặc bệnh chuyển hóa nội tiết: Phải cân nhắc trước khi tiêm; Người bệnh tăng huyết áp: Nên hoãn tiêm cho đến khi kiểm soát được huyết áp; Người đang bị nhiễm trung cấp tính: Hoãn tiêm cho đến khi giải quyết hết tình trạng nhiễm trùng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với phụ nữ có thai, kinh nghiệm sử dụng vắc-xin này còn hạn chế. 

Các nghiên cứu trên động vật chứng minh vắc-xin không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thai kỳ, sự phát triển của thai, bà mẹ trong hoặc sau khi sinh. Chỉ định tiêm vắc-xin Abdala trong thai kỳ nên được xem xét nếu lợi ích lớn hơn các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đối với mẹ và thai nhi.

Bộ Y tế đề nghị kiểm tra thông tin tiêm vắc-xin Covid-19 thu phí
Ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành công văn gửi UBND TP.HCM chỉ đạo xác minh, điều tra và làm rõ việc tiêm vắc-xin Covid-19 thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư