Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Sản xuất chịu nhiều áp lực bởi giá nguyên nhiên liệu leo thang
Thế Hoàng - 07/07/2022 13:38
 
6 tháng cuối năm 2022, hoạt động sản xuất trong nước tiếp tục chịu nhiều sức ép bởi giá cả nhóm hàng nguyên, nhiên phụ liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá xăng dầu, than đá, khí đốt...leo thang tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm 2022.
Giá xăng dầu, than đá, khí đốt...leo thang tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước nửa cuối năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số này, có 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu, bao gồm: nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước với kim ngạch đạt 164,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 35,6%).

Kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cao nhất, đạt 42,7 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: than đá, tăng 129,5%; dầu thô tăng 48%; xăng dầu các loại tăng 118%; khí đốt hóa lỏng tăng 59%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 29%; hóa chất tăng 33%; phân bón tăng 32%; Lúa mỳ tăng 30%; sản phẩm hóa chất tăng 27,3%; đậu tương tăng 25%; thép các loại tăng 22%...

Chỉ một số rất ít nhóm hàng có mức sụt giảm nhập khẩu, đó là hạt điều giảm 39,5%; quặng và khoáng sản khác giảm 21%; Ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) giảm 29%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 2,6%...

6 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao do sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới làm tổng nhu cầu đối với mặt hàng xăng dầu tăng cao. Theo đó, việc nhập khẩu các nhóm hàng này của nước ta cũng chịu nhiều tác động tiêu cực bởi sự tăng giá đột biến.

Đơn cử, nửa đầu năm nay, nhập khẩu xăng dầu chỉ tăng 14% về lượng đạt 4,66 triệu tấn, nhưng tăng tới 118,6% về trị giá, so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,8 tỷ USD, vượt xa mức nhập khẩu 4,15 tỷ USD của cả năm 2021.

Chi nhập khẩu dầu thô cũng vọt lên 3,4 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ, nhập khẩu hóa chất 5,076 tỷ USD, tăng 33%, nhập khí đốt hóa lỏng tăng 59%, đạt 764 triệu USD....

Với than đá cũng vậy, dù sản lượng nhập khẩu chỉ bằng 82,3% cùng kỳ nhưng chi ngoại tệ nhập khẩu lên tới 4,205 tỷ USD, tăng 129,5% so với cùng kỳ, sắp bằng mức nhập khẩu của cả năm 2021 (4,323 tỷ USD).

Bộ Công thương dự báo, trong 6 tháng còn lại của năm 2022, giá  hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất tiếp tục giữ ở mức cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine tác động lớn đến chuỗi cung ứng nói chung và giá dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên làm gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, các loại hàng hóa như xăng dầu, phân bón, lương thực ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như hóa chất, phân bón...

Hiện, Bộ Công thương đang rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư